MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cho học sinh đi thực tế tìm hiểu di sản Huế. Ảnh: Thành Đạt.

Học sinh Huế hứng thú với môn học trải nghiệm di sản

THÀNH ĐẠT LDO | 12/04/2024 07:06

HUẾ - Quần thể Di tích Cố đô Huế với hệ thống công trình kiến trúc, di tích lịch sử văn hóa không chỉ nổi tiếng thế giới, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, mà giờ đây đó được xem là trường học trải nghiệm di sản đối với học sinh địa phương.

Được đón nhận

Những năm qua nhiều trường học trên địa bàn TP Huế đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đưa môn học trải nghiệm, giáo dục di sản đến với các em học sinh.

Được đắm chìm trong những di tích cổ kính, hiểu thêm những công trình kiến trúc và những giá trị văn hóa lịch sử theo kiểu “mắt thấy tai nghe” đã giúp các em không chỉ hiểu thêm về di sản được thế giới công nhận mà còn thêm yêu hơn vùng đất quê hương.

Chương trình giáo dục di sản đang được áp dụng chủ yếu từ bậc học mầm non cho đến THCS. Tùy theo lịch đăng ký, các em học sinh của từng trường lần lượt được tham quan thực tế các di sản, danh thắng nổi tiếng nằm trong Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Đó có thể là các công trình nổi tiếng như điện Thái Hòa, lầu Ngũ Phụng, Ngọ Môn, điện Kiến Trung, Nhà hát Duyệt Thị Đường, hay những đền đài lăng tẩm… Mỗi nơi dừng chân, các em học sinh đã được cán bộ di tích giới thiệu một cách tường tận từ ý nghĩa lịch sử, công năng, hoa văn họa tiết trên công trình kiến trúc.

Ngoài ra, những thắc mắc của các em học sinh cũng được giải đáp đầy đủ trong sự háo hức, thích thú của các em tham gia trải nghiệm chương trình giáo dục di sản.

Hầu hết các em học sinh cho biết, rất hài lòng với cách học và tiếp cận với lịch sử một cách thực tế, cụ thể như thế. Trong khi đó, các phụ huynh nhận định việc học này không chỉ hiệu quả mà giúp con em mình cảm thấy thoải mái, dễ tiếp thu.

“Không chỉ giúp các em tường tận những di tích, danh thắng mà qua đó chương trình còn gieo vào các em tình yêu về những giá trị văn hóa tốt đẹp ở ngay vùng đất mình đang sống. Hy vọng rằng các em học sinh ở Huế ai cũng có thể theo học được chương trình thú vị này” - chị Thu Phương, một phụ huynh ở Huế có con tham gia chương trình chia sẻ.

Việc giáo dục di sản bằng việc đi thực tế tạo được sự hào hứng cho các học sinh. Ảnh: Thành Đạt.

Trong khi đó, các phụ huynh khác cũng đồng quan điểm và ủng hộ chương trình. Bởi lẽ, lâu nay việc dạy học sử theo cách truyền thống dày đặc với những con số, sự kiện, nhân vật khiến các em học theo cách đối phó. Nhưng với cách học trực tiếp ở di sản, di tích đã khơi gợi niềm đam mê đến các em một cách rõ ràng, cụ thể.

Sẽ biên soạn chương trình giáo dục di sản

Theo chị Hoài Hương, cán bộ phụ trách chương trình giáo dục di sản của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đây là một trong những chương trình quan trọng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản, hỗ trợ hiệu quả trong công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử tại môi trường học đường.

Chị Hương cho hay, với mục tiêu luôn đổi mới, sáng tạo, đa dạng trong cách tiếp cận để khơi dậy tình yêu di sản đối với thế hệ trẻ, các chương trình giáo dục di sản học đường diễn ra tại di tích Huế đang ngày càng tạo được dấu ấn đẹp trong lòng các bạn học sinh với sự phong phú từ hoạt động trải nghiệm đến không gian tổ chức chương trình.

Không chỉ dừng ở thuyết minh di tích đơn thuần, các “du khách học trò” cảm thấy yêu thích hơn khi được chạm tay và lắng nghe thanh âm từ nhạc cụ biểu diễn Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam được công nhận là Di sản văn hoá Phi vật thể của nhân loại, trải nghiệm các trò chơi cung đình tại Bảo tàng Cổ vật Cung Đình Huế hay những tác phẩm mỹ thuật được du khách nhỏ sáng tác dựa trên sự hướng dẫn quan sát tỉ mỉ các hoa văn, hoạ tiết và màu sắc độc đáo tại công trình kiến trúc di sản Huế.

Không chỉ dừng ở kiến thức văn hoá, lịch sử, chương trình còn bao gồm các hoạt động làm phong phú kiến thức đối với thế giới tự nhiên của học sinh thông qua trải nghiệm tìm hiểu các loài hoa, cây cảnh trong vườn hoàng cung và cách chăm sóc cây từ những chuyên gia.

Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, riêng năm 2023, trung tâm đã phối hợp với Phòng GD&ĐT TP Huế triển khai thành công chương trình giáo dục di sản học đường cho 85 trường học, chia thành 263 đoàn, với hơn 25.000 học sinh tham gia.

Trong năm 2024, sẽ tập trung tổ chức biên soạn tài liệu, giáo trình về giáo dục di sản Huế một cách khoa học, hiệu quả. Cùng với đó, phối hợp với các đối tác, các khu di sản, trường học xây dựng một số chương trình giáo dục di sản Huế dành cho giới trẻ, học sinh, sinh viên ngoại tỉnh và quốc tế và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động.

Đơn vị sẽ tập trung tổ chức biên soạn tài liệu, giáo trình về giáo dục di sản Huế một cách khoa học, hiệu quả. Cùng với đó, phối hợp với các đối tác, các khu di sản, trường học xây dựng một số chương trình giáo dục di sản Huế dành cho giới trẻ, học sinh, sinh viên ngoại tỉnh và quốc tế và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn