MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kích thước bàn ghế trong trường học hiện nay được đánh giá là chưa phù hợp với thể trạng học sinh. Ảnh: Vân Trang

Học sinh khốn khổ vì lớn quá khổ so với bàn ghế

Trà My - Hải Đăng LDO | 04/10/2023 06:27

Học sinh dậy thì sớm, phát triển thể trạng nhanh, trong khi kích thước bàn ghế trong nhà trường hiện nay đã không còn phù hợp. Việc này không chỉ khiến học sinh không thoải mái khi ngồi học mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ các em.

Cũ và không phù hợp

Với chiều cao, cân nặng lần lượt là 1,78m và 56kg, em Đào Đức Anh - học sinh lớp 11, Trường THPT Trần Phú (tỉnh Quảng Ninh) luôn phải cúi khom lưng mỗi khi viết bài. Chiếc bàn ghế trên lớp đang ngồi quá thấp so với thể trạng của em.

“Chiều cao của bàn khoảng 55cm, còn ghế khoảng 35cm. Khi em ngồi, ghế quá thấp, chân phải gập lại, lưng khom xuống để viết bài nên cảm thấy rất khó chịu, chân rất mỏi, đặc biệt là ở khớp đầu gối. Do đó, cứ khoảng 10 phút lại phải duỗi chân ra bên ngoài. Em mong nhà trường sẽ xem xét để cải thiện lại kích thước bàn ghế” - Đức Anh bày tỏ.

Anh Nguyễn Đức Mạnh (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng vô cùng trăn trở khi cậu con trai học lớp 9 có ngoại hình “quá khổ” so với kích thước bàn ghế trên lớp học.

“Khi con ngồi thì đều bị đụng đầu gối vào ngăn bàn, còn kéo ghế ra xa thì không gần với bàn, tư thế ngồi học giống như nằm. Ở lớp con có đến 6-7 bạn đều có chiều cao như nhau nên chúng tôi đều rất mong muốn nhà trường sẽ bố trí thay đổi bàn ghế phù hợp cho các con” - anh Mạnh nói.

Đề xuất “nới” kích thước bàn ghế

Cô Nông Thị Hà - giáo viên chủ nhiệm lớp 5, Trường PTDTBT TH Sùng Cháng (tỉnh Cao Bằng) - chia sẻ, vấn đề bàn ghế cho học sinh là khó khăn, vướng mắc mà nhà trường đang gặp phải.

“Vào đầu năm học mới, bàn ghế cũ hỏng vẫn được tận dụng nhiều, cái nào được sửa lại thì vẫn ngồi. Nhưng ở vùng cao do điều kiện khó khăn thì bàn ghế chưa đầy đủ hết” - cô Hà nói.

Bên cạnh việc thiếu thốn bàn ghế, kích thước cũng là yếu tố cô Hà đề cập đến. “Có nhiều em còn không cao quá 1m, trong khi đó bàn ghế lại có cùng một kích thước chung nên có những em học sinh thấp bé sẽ khó khăn để ngồi và nhìn lên bảng. Tôi được biết Thông tư số 26 quy định bàn ghế trong trường học hiện nay được chia thành 6 cỡ số cho học sinh có chiều cao từ 1m - 1,75m. Mỗi cỡ số được quy định cụ thể về kích thước cơ bản của bàn ghế, cách bố trí bàn ghế trong phòng học, bảo đảm phù hợp với đa số học sinh có thể trạng bình thường. Tuy nhiên, nếu áp dụng chung một cỡ số bàn ghế với tất cả các em thì không hợp lý” - cô Hà bày tỏ quan điểm.

Để khắc phục tình trạng bàn ghế chưa phù hợp với thể trạng học sinh hiện nay, cô Hà đề xuất, nên để các trường linh hoạt, chủ động rà soát học sinh trong trường để xem xét lại chiều cao, cận nặng nhằm điều chỉnh bàn ghế.

Cô Trần Thị Nhâm - Giáo viên Trường Tiểu học Tràng An (tỉnh Quảng Ninh) - lại cho rằng, việc điều chỉnh riêng biệt bàn ghế với từng học sinh là khá vất vả và không có sự thống nhất. Vì vậy, theo cô Nhâm, giải pháp tối ưu nhất vẫn là thiết kế bàn ghế thông minh. Học sinh có thể tự điều chỉnh độ cao bằng cách nâng, hạ và cố định bằng ốc vít.

"Các trường đều tổ chức khám sức khỏe học sinh vào đầu năm học. Trong số này, có số đo và cân nặng của học sinh. Đây là thông số có thể tham khảo để làm căn cứ điều chỉnh quy định liên quan đến bàn ghế phù hợp với thể trạng của học sinh” - cô Nhâm đề xuất.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung thông tư 26

Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT- BGD&ĐT-BKHCN-BYT hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường tiểu học, THCS, THPT theo hướng tăng kích thước của bàn, ghế, cho phù hợp với thể trạng của học sinh các cấp học. Thông tư quy định, bàn ghế học sinh được chia thành 6 cỡ số cho học sinh có chiều cao từ 100cm đến 175cm. Mỗi cỡ số được quy định cụ thể kích thước cơ bản của bàn ghế, cách bố trí bàn ghế trong phòng học, bảo đảm phù hợp với đa số học sinh có chỉ số nhân trắc bình thường. Tuy nhiên, kích thước bàn ghế có kích thước nhỏ hơn so với thể trạng học sinh theo nhóm tuổi, nhóm lớp. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư 26.

Về vấn đề này, Bộ GDĐT cho biết, trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế nghiên cứu về nhân trắc học sinh. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Bộ GDĐT sẽ tiến hành điều chỉnh, sửa đổi Thông tư liên tịch số 26 cho phù hợp với thực tế thể trạng học sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn