MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Học sinh không muốn bỏ thi THPT quốc gia 2020

Đặng Chung LDO | 12/04/2020 18:50

Theo dõi những thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2020, học sinh lớp 12 cho biết đang rất lo lắng và không thể tập trung ôn thi. Nhiều em muốn giữ ổn định kỳ thi để thuận lợi, yên tâm học tập, ôn luyện.

Xét tốt nghiệp, học sinh lo ngại thiếu khách quan

Đến giai đoạn nước rút, dù không đến trường do dịch bệnh, nhưng Nguyễn Hà Thu (học sinh lớp 12 Trường THPT Yên Lạc 2, Vĩnh Phúc) cho biết không ngày nào em ngừng việc học và ôn tập.

Tâm trạng của Thu và nhiều học sinh khác là mong dịch bệnh sớm qua, để kỳ thi THPT quốc gia được ổn định. Bởi theo học sinh này, nếu thực hiện việc xét tốt nghiệp THPT thì các trường đại học sẽ có những phương thức tuyển sinh riêng. Điều này đồng nghĩa đề thi sẽ khó hơn, không loại trừ nội dung đã tinh giản. Học sinh sẽ vất vả hơn trong việc ôn thi vì không có nhiều thời gian chuẩn bị, trong điều kiện có nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra.

“Thi mới công bằng được, còn xét tốt nghiệp thì em lo ngại về sự chính xác, khách quan”- Thu nói.

Học sinh lớp 12 chia sẻ quan điểm về việc có nên tiếp tục tổ chức thi THPT quốc gia năm 2020. Video: Linh Chi - Hoài Anh

Em Nguyễn Hà Phương (Trường THPT Lương Phú, Phú Bình, Thái Nguyên) cũng cho rằng năm nay nên giữ nguyên kì thi THPT quốc gia. Trừ trường hợp đến tháng 7, hoặc tháng 8 dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì mới cần tính đến phương án khác.

Em Khổng Phương Mai (học sinh Trường THPT Đa Phúc, Sóc Sơn, Hà Nội) thì đề xuất, Bộ GDĐT có thể tính đến phương án: Những học sinh không có nguyện vọng xét tuyển đại học thì được tạo điều kiện có được tấm bằng cấp 3 trên tay bằng cách xét và công nhận tốt nghiệp. Còn với những học sinh có nguyện vọng xét tuyển đại học thì vẫn tổ chức kỳ thi chung trên toàn quốc. Nếu dịch bệnh kéo dài, thì nên giảm môn thi, học sinh chỉ cần thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ.

Nguyễn Thị Thư (học sinh lớp 12 Trường THPT Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng, việc xét công nhận tốt nghiệp chỉ thuận lợi cho những bạn không thi đại học. Còn những người có mong muốn thi đại học như em sẽ là bất lợi.

Lý do Thư được ra là, 3 năm học phổ thông, em và bạn bè đã được dạy và học theo phương pháp phù hợp với kì thi THPT quốc gia, Nếu giờ mà huỷ, các trường đại học tự xét tuyển riêng, đề cũng khó hơn rất nhiều. Trong khi học sinh không có nhiều thời gian để chuẩn bị và sẽ bị rơi vào thế “xoay xở không kịp”.

Ổn định tâm lý cho học sinh

Học sinh cuối cấp năm nay chịu nhiều thiệt thòi khi việc học, ôn thi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Điều các em mong muốn lúc này là việc thi cử, tuyển sinh ít bị xáo trộn, tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý.

Sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhiều giáo viên, học sinh, ông Lương Văn Việt - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương cho rằng sẽ có nhiều hệ luỵ nếu năm nay không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia

“Nếu học sinh đi học trước 15.6 thì vẫn đảm bảo được học đủ khối lượng và chất lượng kiến thức để hoàn thành chương trình và dự kỳ thi THPT quốc gia. Còn nếu không tổ chức thi có thể khiến học sinh không có động lực học tập tiếp các nội dung kiến thức còn lại của học kỳ 2”- ông Việt cho biết.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn Ma Thế Quyên cũng cho rằng, mọi thay đổi thời điểm này sẽ làm xáo trộn tâm lý học trò. Các em sẽ băn khoăn, lo lắng không biết nếu xét tốt nghiệp và trường đại học, cao đẳng chủ động tuyển sinh thì phương án như thế nào, sẽ khó khăn ra sao, trong thời gian ngắn có kịp chuẩn bị, ôn thi hay không…

Đồng quan điểm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang Nguyễn Thế Bình nhấn mạnh, việc tổ chức thi sẽ khiến học sinh và giáo viên có sự nỗ lực hơn trong việc trang bị kiến thức.

“Chúng ta phải nhìn dài hơn vào chất lượng nguồn nhân lực tương lai và vì chính quyền lợi của học sinh khi được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết cho việc học tập hoặc làm việc trong tương lai để đưa ra những quyết định liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia này” – ông Bình nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn