MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không công bố đề minh họa của kỳ thi năm 2020, thí sinh phải dựa vào đề thi THPT quốc gia 2019 để ôn tập. Ảnh: hải Nguyễn

Học sinh lo lắng, nhà trường tăng tốc ôn thi

Đặng Chung - Lan Hương LDO | 18/12/2019 09:30
Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo không công bố đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2020 khiến nhiều học sinh lo lắng. Để giảm áp lực thi cử, hiện nhiều trường đã “bắt tay” xây dựng kế hoạch ôn tập và có phương án giúp học sinh chuẩn bị tâm thế tốt nhất bước vào kỳ thi.

Giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia năm 2020

Mọi năm, vào thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT) đã công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT Quốc gia để định hướng cho học sinh và giáo viên trọng tâm kiến thức cần ôn tập, cũng như cấu trúc đề thi để thí sinh chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi năm sau. Tuy nhiên năm nay Bộ GDĐT sẽ không công bố đề thi minh họa.

Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ được tổ chức theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2019, nhằm đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học, đồng thời là cơ sở cho tuyển sinh đại học, cao đẳng. Sau năm 2020, nội dung thi THPT quốc gia vẫn nằm trong chương trình THPT hiện hành. Ngoài phương thức thi trên giấy như hiện nay, Bộ GDĐT sẽ chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính từ năm 2021 theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.

Đại diện Bộ GDĐT cũng lưu ý thí sinh căn cứ vào đề minh họa của kỳ thi năm trước để có kế hoạch ôn tập, chuẩn bị tốt cho kỳ thi. Thí sinh sẽ tiếp tục làm 5 bài thi, gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tự chọn là Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

Đề thi tiếp tục được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực, có tính ứng dụng thực tiễn, không nặng về ghi nhớ các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Các câu hỏi trong đề được sắp xếp theo độ khó tăng dần giúp thí sinh thuận lợi khi làm bài.

Chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập

Trước thông tin Bộ GDĐT không công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2020, những ngày qua, nhiều học sinh bày tỏ lo lắng. Hiện chỉ còn 6 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, học sinh lo vì năm nay thiếu đi nguồn tài liệu tham khảo quan trọng là đề thi minh họa.

Giáo viên các trường phổ thông cũng thừa nhận, nếu không công bố đề thi minh họa sẽ ít nhiều khiến học sinh gặp khó khăn trong việc ôn tập. Để giúp học sinh, hiện các trường đã chủ động có kế hoạch ôn tập với mục tiêu giảm áp lực, căng thẳng, mà vẫn đạt kết quả cao.

Theo bà Văn Liên Na - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) - như mọi năm, nếu có đề thi minh họa thì giáo viên của trường sẽ dựa vào đó để phân tích, dự đoán xu hướng ra đề thi. Nếu có những kiến thức, nội dung mới thì sẽ định hướng học sinh cách ôn tập. Năm nay, Bộ GDĐT không công bố đề minh họa, nhà trường sẽ thực hiện kế hoạch vừa học vừa ôn tập cho học sinh.

“Theo đó, nhà trường đã lên kế hoạch để đảm bảo học sinh học đâu chắc đấy, không để dồn kiến thức vào một thời điểm. Ngoài ra, trong tháng 12, trường sẽ tổ chức đợt thi thử THPT quốc gia 2020 đầu tiên để kiểm tra kiến thức học sinh. Từ nay đến khi diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, học sinh sẽ trải qua 4 kỳ thi thử. Việc này sẽ giúp các em làm quen với các kỹ năng làm bài thi.

Ngoài ra, đây cũng là những đợt thi khảo sát để nhà trường tiến hành phân loại và có kế hoạch ôn tập cho học sinh. Chẳng hạn các em được điểm kém môn nào, hổng kiến thức môn nào thì sẽ được giáo viên môn đó tăng cường ôn tập. Với mục tiêu giúp các em tiến bộ, tự tin đạt kết quả cao trong kỳ thi” - bà Văn Liên Na nhấn mạnh.

Cũng như Trường THPT Lương Thế Vinh, các trường trung học phổ thông khác trên cả nước đang bước vào giai đoạn nước rút cho học sinh ôn tập và kiểm tra học kỳ I. Sau thời gian này sẽ bắt đầu tập trung ôn thi THPT quốc gia.  

Theo ông Lê Văn Dị - Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1 (Thanh Hóa) - hiện nhà trường đã tiến hành đánh giá, phân loại học sinh theo năng lực nhận thức bằng các bài kiểm tra và thi thử THPT quốc gia. Sau khi đánh giá, trường sẽ phân loại học sinh theo 4 nhóm: Học sinh có nguyện vọng phấn đấu đạt từ 27 điểm trở lên, nhóm có nguyện vọng vào đại học top trên, nguyện vọng đỗ đại học và cuối cùng là nhóm học sinh chỉ có nguyện vọng ôn thi tốt nghiệp.

“Căn cứ vào nguyện vọng và học lực của học sinh, thầy cô của trường sẽ thực hiện ôn luyện cho từng nhóm, mỗi nhóm có một chương trình, phương pháp khác nhau, phù hợp với khả năng nhận thức và mục tiêu của từng em” - thầy Lê Văn Dị cho biết.

Thầy Phạm Lê Thanh (giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, TPHCM) thì cần trấn an học sinh bình tĩnh, không nên quá lo lắng. Học sinh cần tin tưởng thầy cô luyện thi nhiều năm kinh nghiệm đang giảng dạy ở lớp, ở trường và chủ động lên thời gian biểu để ôn tập. Học sinh không nên dồn kiến thức đến sát kỳ thi mới ôn tập, mà cần học cuốn chiếu, học môn nào nắm chắc kiến thức môn đó. Sau Tết Nguyên đán Canh Tý, học sinh sẽ tập trung vào việc luyện đề để rèn kỹ năng làm bài. “Ôn tập theo cách này sẽ giúp học sinh giảm áp lực, căng thẳng”- thầy Thanh nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn