MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh tham dự kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Hải Nguyễn

Học sinh lo ngại giảm cơ hội vào đại học vì bị giới hạn tổ hợp xét tuyển

Trà My - Vân Trang LDO | 13/12/2023 06:00

Từ năm 2025, học sinh thi tốt nghiệp THPT gồm hai môn bắt buộc cùng với đó là hai môn tự chọn. Nhiều học sinh bày tỏ lo lắng, việc chỉ thi hai môn tự chọn sẽ khiến các em giới hạn tổ hợp môn thi xét tuyển vào đại học.

Ngay từ khi vào lớp 10, em Nguyễn Hoàng Vũ - học sinh lớp 11, Trường THPT Kỳ Lâm (Hà Tĩnh) đã xác định sẽ tập trung học, ôn luyện hai khối A00 (Toán, Vật lý, Hoá học) và khối B00 (Toán, Hoá học, Sinh học) để xét tuyển đại học.

Sau khi theo dõi, nắm được phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, em cảm thấy lo lắng bởi em chỉ được tự chọn 2 môn. Điều này đồng nghĩa, em sẽ phải giảm đi 1 tổ hợp môn trong quá trình xét tuyển đại học.

"Em xác định ôn thi theo khối để mong muốn thi vào các trường đại học có ngành Y. Xét theo quy định của phương án hai môn bắt buộc và hai môn tự chọn, em chỉ được chọn Vật lý và Hoá học hoặc là Hoá học và Sinh học. Em sợ sẽ giảm cơ hội trúng tuyển đại học mình mong muốn" - Vũ cho hay.

Nam sinh chia sẻ, việc thi vào các trường đào tạo ngành Y là điều không dễ dàng khi điểm chuẩn của các ngành học này lên tới 27 - 28 điểm. Do đó, em muốn xét tuyển ở cả 2 tổ hợp môn để nếu trượt ở trường này với tổ hợp A00 thì còn nguyện vọng học ở trường khác với tổ hợp xét tuyển khối B00.

"Em và nhiều bạn đang loay hoay không biết phải làm gì, lựa chọn thế nào cho đúng. Bởi năm của em cũng là khoá đầu tiên tham gia vào kì thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới, chương trình học tập và thi cử cũng còn rất nhiều khó khăn" - nam sinh bộc bạch.

Tương tự như Hoàng Vũ, em Hoàng Thị Hải Yến - học sinh lớp 11, Trường THPT Trần Phú (Quảng Ninh) - cũng khá bối rối để lựa chọn ra tổ hợp thi và các môn để xét tuyển vào đại học.

"Thời gian vừa qua, em cũng phải cân nhắc khá nhiều lần để tìm xem đâu là lựa chọn phù hợp nhất cho bản thân mình" - Yến chia sẻ.

Trao đổi với Báo Lao Động ngày 12.12, Hải Yến cho biết thêm, dự định của em sẽ xét tuyển khối D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh). Ngoài ra, em cũng sẽ chọn thêm môn thứ hai là môn Lịch sử.

"Lí do để em chọn hai môn ngoài bắt buộc là Tiếng Anh và Lịch sử bởi em có thế mạnh về học ngoại ngữ. Theo chia sẻ của anh chị khoá trước, nếu thi tiếng Anh, em sẽ có nhiều ưu thế hơn bởi hiện nay, các trường đại học rất chú trọng và ưu tiên các thí sinh có trình độ học ngoại ngữ.

Môn học thứ hai em chọn Lịch sử bởi em xác định mục tiêu chọn ra một môn học để mình có đủ điều kiện đỗ tốt nghiệp. Tập trung ôn tập vào ba môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh để có thể thi đỗ vào các trường đào tạo ngành Sư phạm tiếng Anh" - Hải Yến bày tỏ.

Trước khi đưa ra quyết định này, Hải Yến cũng mất rất lâu để tính toán, tìm hiểu các môn thi và khối thi để không khỏi thất vọng.

"Đối với em, kì thi xét tuyển tốt nghiệp THPT rất quan trọng. Nó có thể ảnh hưởng tới tương lai của một thí sinh nếu như đưa ra lựa chọn không đúng. Em cũng mong có thêm nhiều lựa chọn để các bạn học sinh phát huy sở trường, thế mạnh của mình. Tuy nhiên, với phương án 2+2 rất có thể các trường sẽ cân đối phương thức xét tuyển, điều này cũng khiến các bạn học sinh lo ngại" - nữ sinh nói.

Tại buổi họp báo công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhiều ý kiến lo ngại việc chỉ thi tốt nghiệp THPT với 4 môn sẽ làm giảm cơ hội trúng tuyển đại học của thí sinh.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Giáo dục đại học - cho rằng, quy chế tuyển sinh trong 2 năm qua giữ ổn định và nêu rõ các quy tắc, yêu cầu chung để các trường xét tuyển mà không phụ thuộc vào nội dung hay hình thức thi.

"Dù kì thi tốt nghiệp THPT như thế nào, các trường vẫn phải đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển, tuyển sinh được các thí sinh phù hợp với yêu cầu của chương trình đào tạo" - bà Thủy nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn