MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ SGK mới và bộ sách thêm "sách bổ trợ" tại một trường ở TPHCM lên tới hàng chục đầu sách. Ảnh M.C

Học sinh lớp 1 "cõng" 23 đầu sách: Trường làm sai quy định, cần xử lý nghiêm

Duy Thiên LDO | 11/09/2020 06:18

Trước những phản ánh về việc học sinh lớp 1 phải “cõng” 19 - 23 đầu sách, trong đó có nhiều sách tham khảo, trao đổi với Báo Lao Động, TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) khẳng định: Nếu cơ sở giáo dục nào yêu cầu học sinh phải mua sách tham khảo, dù chỉ 1 cuốn, cũng là sai quy định và cần bị xử lý nghiêm.

Không được yêu cầu phụ huynh mua tài liệu tham khảo

Những ngày qua, Báo Lao Động nhận được nhiều phản ánh của phụ huynh về việc phải mua bộ sách lớp 1 gồm 19-23 đầu sách. Phụ huynh không được nhà trường và đơn vị phát hành thông tin đâu là sách bắt buộc, đâu là sách tham khảo. Quan điểm của Bộ GDĐT về vấn đề này ra sao, thưa ông?

- Chương trình giáo dục lớp 1 bao gồm 8 môn học bắt buộc và 1 môn học tự chọn. Nếu đơn vị giảng dạy cung cấp hoặc yêu cầu phụ huynh, học sinh mua nhiều hơn lượng sách trên là sai quy định.

Trong các văn bản của Bộ GDĐT đã quy định rất chi tiết, rõ ràng: Thứ nhất, sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc, được thực hiện và ban hành theo chương trình của Bộ GDĐT.

TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT).

Thứ hai, tài liệu tham khảo phải thực hiện đúng theo Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT về Quy định quản lý sử dụng xuất bản sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Thông tư đã nêu rất rõ, tài liệu tham khảo trước khi muốn đưa vào trường học phải thực hiện quy trình kiểm tra nghiêm ngặt, tất cả giáo viên, hiệu trưởng nhà trường không được phép ép buộc phụ huynh và học sinh mua tài liệu tham khảo.

Tài liệu tham khảo phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy của giáo viên; phụ huynh mua cho học sinh là dựa vào nhu cầu cá nhân. Nhà trường chỉ có vai trò cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời để phụ huynh lựa chọn hợp lý.

Gần đây, qua phản ánh của báo chí và phụ huynh học sinh, Bộ GDĐT đã có văn bản nêu lại các vấn đề trên và đề nghị các Sở GDĐT khẩn trương rà soát và thực hiện tốt.

Tuy nhiên, rất mong phụ huynh khi trao đổi thông tin với nhà trường cần hỏi rõ về những điều còn thắc mắc, để nhà trường tư vấn trực tiếp về việc mua sách vở học tập cho học sinh.

Dù đã có quy định từ lâu, nhưng thực tế nhiều phụ huynh phản ánh mình vẫn phải mua quá nhiều sách tham khảo, mỗi bộ sách lớp 1 lên đên 700.000 - 800.000 đồng. Để minh bạch, giảm gánh nặng cho phụ huynh dịp đầu năm mới, Bộ GDĐT sẽ giám sát việc này ra sao?

- Trước những thông tin về vấn đề mua sách giáo khoa giá cao, Bộ GDĐT đã tiếp tục ban hành văn bản Tăng cường quản lý trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo. Trong văn bản quy định 3 nội dung chính:

Các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện trang bị sách giáo khoa cho học sinh đầy đủ, chất lượng và kịp thời. Thứ hai, về tài liệu tham khảo, thực hiện đúng theo tinh thần Thông tư 21 nói trên.

Thứ ba, các Sở GDĐT tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục phổ thông về trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo. Đồng thời, cương quyết xử lý nghiêm các đơn vị sai quy định.

Bộ GDĐT yêu cầu các Giám đốc Sở GDĐT thực hiện các nội dung nêu trên tại địa phương và báo cáo với Bộ trước ngày 20.9.

Về phía phụ huynh, mong rằng phụ huynh sẽ tiếp tục phối hợp với giáo viên, nhà trường để có được thông tin đầy đủ, chính xác về việc trang bị mua sắm sách giáo khoa; đảm bảo con em mình có đầy đủ sách giáo khoa theo chương trình.

Phụ huynh Trường Tiểu học Tây Sơn (Hà Nội) phải mua bộ sách lớp 1 lên đến 19 cuốn.

Hiện không ít phụ huynh lo lắng, học sinh lớp 1 phải "cõng" tới 23 đầu sách, sẽ tăng áp lực học hành cho các em. Theo ông, học sinh lớp 1 có cần thiết phải học thêm nhiều sách tham khảo như vậy hay không?

- Như tôi đã nói ở trên, chương trình giáo dục lớp 1 bao gồm 8 môn học bắt buộc và 1 môn học tự chọn. Nếu cơ sở nào yêu cầu mua nhiều hơn lượng sách trên là sai.

Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT đã nêu rất rõ về trách nhiệm của giáo viên, tổ chuyên môn và nhà trường về việc tư vấn sử dụng mua sách giáo khoa, sách tham khảo cho phụ huynh.

Tất cả phải dựa trên tinh thần tự nguyện. Nếu nhà trường ép buộc phụ huynh, học sinh mua là nhà trường sai và phải chịu trách nhiệm theo quy định.

Vì vậy, phụ huynh phải trở thành cha mẹ thông thái, có quyền từ chối việc mua sắm sách vở sai quy định.

Xử lý nghiêm nếu nhà trường trở thành kênh phân phối sách

Hiện nay, có thông tin cho rằng nhiều trường đứng ra chịu trách nhiệm là "kênh phân phối" cho các đơn vị phát hành SGK, sách bổ trợ đến học sinh. Vì điều này nên học sinh phải mua kèm nhiều loại sách tham khảo không cần thiết. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Hiện nay, Bộ GDĐT chưa nhận được bất cứ một văn bản hay phản ánh nào về việc các nhà trường trở thành "bên thứ 3" giúp các đơn vị phân phối sách đến học sinh. Đây là vấn đề thuộc diện quản lý của các đơn vị chức năng tại địa bàn như UBND quận/huyện, Sở/Phòng GDĐT.

Các Sở GDĐT, Phòng GDĐT có văn bản chỉ đạo đều thực hiện đúng dựa trên các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT. Vấn đề nằm ở việc triển khai, nhà trường có thực hiện đúng theo các văn bản chỉ đạo không? Chúng ta cần phải chỉ ra sai ở khâu nào?

Nếu sai ở khâu nào, chưa đúng ở khâu nào, chúng ta sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát ở khâu đó. Và chắc chắn, người nào làm sai người đó phải chịu trách nhiệm.

Vì vậy, Bộ yêu cầu các Sở GDĐT thực hiện kiểm tra, thanh tra trên địa bàn theo đúng chức năng quản lý của mình. Từ đó, phát hiện lỗi sai và xử lý nghiêm theo đúng quy định.

- Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn