MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vở môn Toán của em S. Em chỉ ghi được đầu bài nhưng vẫn qua được các kì thi để ngồi ở lớp 6. Ảnh: Dân Trí

Học sinh lớp 6 đọc còn phải đánh vần vẫn được lên lớp

Bích Hà LDO | 05/03/2019 21:31
Những ngày qua dư luận xôn xao về sự việc một học sinh đọc và viết còn phải đánh vần nhưng vẫn lên được lớp 6.

Báo Dân Trí đưa tin, em Q.V.S  (Trường THCS Lê Duẩn, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã lên lớp 6 nhưng đọc, viết còn chưa sõi.

Ngay cả mẹ em là chị B.T.V cũng thừa nhận, tuy lên lớp 6 nhưng khả năng đọc của em còn phải đánh vần. Lúc S viết thì phải dịch từng chữ mới có thể viết được. Gia đình cũng đã từng xin nhà trường để cho con ở lại lớp nhưng không được chấp thuận.

Cũng trên Dân Trí, giải thích về sự việc này, cô Nguyễn Thị Kha - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản, xã Ia Tiêm - cho biết: “Theo nhận định, em S bị thiểu năng trí tuệ, nhưng ở mức độ nào thì cũng chưa biết vì gia đình không có giấy tờ gì xác định.

Qua 5 năm học tại trường tiểu học, chúng tôi nhận thấy em S có nhiều biểu hiện như việc tiếp thu bài chậm, khả năng đọc còn phải đánh vần, viết chữ cũng phải đánh vần.

Thấy cháu như vậy, nhà trường cũng bàn với gia đình nên đưa cháu đi kiểm tra để xem bệnh cháu ở mức độ nào, nhưng gia đình không chịu vì sợ cháu mặc cảm. Dẫu biết rằng cháu S rất yếu nhưng cứ để cháu lưu ban mãi thì sợ cháu bỏ học. Chính vì vậy, nhà trường “tạo điều kiện” để cho cháu S lên lớp”.

Trang vở của học sinh S, đang ngồi ở ghế lớp 6 . Ảnh: Dân Trí

Kết quả của việc “tạo điều kiện” vì thương học trò kiểu này là: Được lên lớp 6 nhưng em S vẫn chưa thể đọc và viết trơn tru mà phải đánh vần từng chữ. Trong khi chương trình tiếng Việt ngay ở lớp 1 là hướng đến mục tiêu trẻ có thể đọc thông, viết thạo.

Liên quan đến vụ việc này, Lao Động liên hệ với Sở Giáo và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Gia Lai để có thêm thông tin. Một đại diện đơn vị này cho biết, thông qua báo chí đã nắm được sự việc. Hiện Sở đã yêu cầu Phòng GDĐT huyện Chư Sê yêu cầu cả trường tiểu học, trung học cơ sở nơi em S đã và đang theo học báo cáo vụ việc bằng văn bản. Khi có thông tin chính thức, Sở sẽ thông tin.

Theo dõi câu chuyện này, rất nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao đọc và viết chưa sõi, học sinh vẫn được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học để lên được lớp 6?

Chưa đọc và viết được thì học sinh làm bài kiểm tra, đánh giá kiểu gì để qua được các môn thi ở lớp 2, 3, 4, 5?

Nếu học sinh thực sự bị chậm phát triển như nhà trường nói, thì cần có giấy chứng nhận của cơ sở y tế, để em được học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập, chứ không phải theo chương trình như những học sinh bình thường khác.

Năm 2016, một học sinh ở Sóc Trăng từng bị nhà trường cấp THCS trả lại trường tiểu học để học lại từ lớp 1, khiến xã hội không biết nên cười hay khóc. Lý do là vì em được lên lớp 6 nhưng vẫn chưa biết đọc, biết viết, không làm được phép tính...

Ngày đó, dư luận đã rầm rộ nói về tình trạng “học sinh ngồi nhầm lớp”. Từ đó đến nay, thỉnh thoảng những vụ việc tương tự lại xuất hiện trên báo chí. Có trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia nhưng vẫn có nhiều học sinh đọc, viết chưa sõi.

Một trong những lý do nhà trường “ngại” cho học sinh lưu ban là vì những quy định khung hiện nay. Tại khoản 3 Điều 37 Điều lệ Trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (Ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT) quy định, học sinh không được lưu ban quá 2 lần trong một cấp học.

Quy định như vậy, nên nhà trường luôn phải cân nhắc, tính toán rất kỹ việc có nên để học sinh lưu ban hay không? Số lượng học sinh lưu ban nhiều có thể ảnh hưởng đến thành tích, hoặc không đủ tiêu chuẩn xét trường chuẩn quốc gia, không đạt mục tiêu phổ cập giáo dục,… Vì thế mới có chuyện, phụ huynh phải chạy theo thầy cô năn nỉ “cho con tôi được ở lại lớp”, cho phép học sinh được lưu ban như báo chí phản ánh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn