MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Học sinh lớp 6 trồng nấm sạch và gọi vốn thành công

Hà Vân LDO | 03/04/2023 13:32

Nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đã chú trọng việc dạy trẻ các kỹ năng quản lý tài chính từ rất sớm. Tại Việt Nam, các cơ sở giáo dục cũng bắt đầu động đổi mới, sáng tạo, đưa nội dung giáo dục tài chính vào giảng dạy chính khoá.

Từ tiết học nuôi trồng nấm đến việc gọi vốn đầu tư

Vân Khánh tự tin đứng trên bục giảng để thuyết trình về dự án “Nấm là cuộc sống” mà em và bạn bè dành nhiều tâm huyết để triển khai suốt 5 tuần. Ở dưới hàng ghế, các học sinh khác chăm chú lắng nghe và đặt câu hỏi cho người thuyết trình. Những câu hỏi - câu trả lời vừa hồn nhiên nhưng cũng rất trí tuệ của các cô cậu học trò lớp 6 đã khiến những khách mời - là cha mẹ học sinh, đại diện một số doanh nghiệp - đều trầm trồ, thán phục.

Học sinh tự tin thuyết trình và trả lời các câu hỏi liên quan đến dự án "Nấm là cuộc sống". Ảnh: Nhà trường cung cấp
Đây chính là những hoạt động diễn ra trong một tiết học về nấm (môn Khoa học) của học sinh Trường Dewey Cầu Giấy (Hà Nội). Trong học kỳ vừa qua, đã có rất nhiều tiết học như thế được giáo viên nhà trường tổ chức - dưới dạng thuyết trình dự án. Mỗi học sinh khi tiếp thu các kiến thức của môn học trên lớp, nếu có ý tưởng nào đó, đều được giáo viên khuyến khích, định hướng thực hiện để biến các kiến thức trong sách vở được “sống” trong những hoạt động thường ngày, thành các sản phẩm phục vụ đời sống.
Không chỉ dừng lại ở môn học, nhóm học sinh khối 6 của Trường Phổ thông Dewey, Hà Nội đã ký được hợp đồng cung cấp nấm cho một đơn vị. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Dự án “Nấm là cuộc sống” do 36 học sinh lớp 6 triển khai. Khi được giáo viên môn Khoa học dạy về nguồn gốc và lợi ích của nấm, Vân Khánh, Nguyễn Thiên Ân và một số bạn bè đã nảy ra ý tưởng nghiên cứu để nuôi trồng nấm sạch phục vụ bữa ăn ở trường và gia đình. Nhà trường tạo mọi điều kiện cho học sinh nghiên cứu, thực hành trong phòng thí nghiệm. Giáo viên vận dụng các kiến thức liên môn của môn Kinh doanh - hướng nghiệp, Công nghệ, Sinh học để hướng dẫn học sinh. Và sau 5 tuần, dự án hoàn thành, những mẻ nấm đầu tiên được nuôi thành công.

Đặc biệt, ngay trong buổi báo cáo sản phẩm của dự án, với tài năng và tâm huyết của mình, các em học sinh lớp 6 đã thành công trong việc gọi vốn, tiến hành thương thảo ký hợp đồng với một công ty cung cấp suất ăn trường học.

Trong dự án này, mỗi học sinh có cơ hội khám phá thế mạnh của bản thân như vẽ poster, thuyết trình, làm báo giá, viết thư mời, trải nghiệm khi trực tiếp làm một nhà khoa học, một doanh nhân, một nhà thiết kế. Đặc biệt, các em được giáo dục và tự mình tích lũy các kỹ năng về quản lý tài chính đầu tư.

Sớm lấp khoảng trống về kiến thức tài chính - hướng nghiệp cho hoc sinh

Trường Phổ thông Dewey, Hà Nội là một trong những cơ sở đào tạo đầu tiên đưa môn Kinh doanh - hướng nghiệp vào giảng dạy chính khóa, bài bản và hệ thống cho học sinh ngay từ lớp 6. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22.1.2020. Trong chiến lược tài chính toàn diện, Giáo dục tài chính là một mục tiêu quan trọng để thực hiện thành công Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Trên thế giới, việc giáo dục tài chính cá nhân được nhiều nước thực hiện cho người dân từ khi nhỏ tuổi, môn tài chính hướng nghiệp được đưa vào dạy trong trường phổ thông giảng dạy cho các em học sinh (như ở Israel, Nhật Bản, Hà Lan và nhiều nước phát triển khác).

Ở Việt Nam, điều này còn khá mới mẻ và người dân vẫn chưa quen với các khái niệm cơ bản về tài chính và quản lý tài chính: Thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm. Việc đào tạo kiến thức về tài chính - hướng nghiệp ngay từ trên ghế nhà trường là bước đi cấp bách và mang tính chiến lược.

Là một trong những cơ sở đào tạo đầu tiên đưa môn Kinh doanh - hướng nghiệp vào giảng dạy chính khóa, bài bản và hệ thống cho học sinh ngay từ lớp 6, theo thầy Nguyễn Trọng Tùng - Trưởng Ban kinh doanh - Hướng nghiệp (Trường Phổ thông Dewey, Hà Nội), kỹ năng quản lý tài chính cá nhân là từ khóa quan trọng, đặc biệt trong các nền giáo dục tiên tiến và phát triển. Ở nước ta, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã lồng ghép các hoạt động quản lý tài chính cá nhân từ năm lớp 6, nhưng hiện nay - nhất là trường công - thường bị rào cản bởi nguồn lực, số lượng học sinh trên lớp quá đông, chưa có giáo viên chuyên trách nên hoạt động giảng dạy chưa cao.

Có điều, không phải khó là bỏ, là không triển khai, bởi người chịu thiệt thòi nhất sẽ là học sinh. Nếu không có kiến thức về tài chính, sau nay đi du học hay lên học đại học, các em sẽ gặp lúng túng trong việc chi tiêu, quản lý tài chính của mình.

Là một trong những trường khối công lập đã triển khai và đưa nội dung giáo dục tài chính vào chương trình giảng dạy, cô Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhận xét: “Để đưa được nội dung giáo dục tài chính vào chương trình giáo dục phổ thông phụ thuộc rất nhiều vào sự năng động, sáng tạo và không ngại khó của giáo viên. Đổi mới, bao giờ cũng khó khăn, nhưng nếu giáo viên không ngại khó thì sẽ có cách khắc phục”.

Còn như tại Trường Dewey, học sinh được giáo dục các kiến thức về tài chính từ rất sớm, các em sẽ có tư duy, ý tưởng lồng ghép các kiến thức ở nhiều môn học và biến nó thành các dự án khởi nghiệp, cùng bạn bè triển khai. Những kỹ năng mềm, những kinh nghiệm quý giá được đúc rút trong quá trình thực học, thực làm sẽ giúp ích cho các em khi rời ghế nhà trường.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn