MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh ném dép vào cô giáo là hiện tượng bạo lực học đường cần pháp luật nghiêm trị. Ảnh cắt từ clip

Học sinh ném dép vào cô giáo - hiện tượng cần pháp luật nghiêm trị

Hà Quyên LDO | 09/12/2023 16:15

Đó là khẳng định của PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái (nguyên Chủ nhiệm bộ môn văn hóa truyền thông, Viện đào tạo Báo chí và truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội) - về việc học sinh ném dép vào cô giáo ở Tuyên Quang đang gây xôn xao dư luận.

Chia sẻ với Báo Lao Động, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định, đây là một hiện tượng mang tính cảnh báo đối với xã hội Việt Nam hiện đại, nhất là trong lĩnh vực giáo dục - đó là sự kiện bạo lực học đường.

Đáng buồn nhất là sự kiện này xảy ra trong quan hệ giữa hai nhân vật quan trọng nhất của học đường: Thầy cô giáo và học sinh, nhất là ở khu vực trường trung học, học sinh học cấp 2, lứa tuổi vị thành niên. Và phần lớn trong số họ, mặc nhiên sẽ phải học tiếp phổ thông, hệ cao đẳng hoặc đại học, sau đại học nữa, nếu đủ điều kiện. Và không những học ở các trường phổ thông trung học ở trong nước mà còn học ở nước ngoài. Nên rất đáng buồn và rất đáng suy nghĩ.

“Học sinh tấn công, hạ nhục cô giáo như vậy là vi phạm pháp luật giáo dục. Tại sao các em dám làm như thế? Ai cho phép các em được làm như thế?” – PGS.TS Minh Thái bức xúc.

Nhóm học sinh dồn cô giáo vào góc tường, ném dép, xúc phạm cô. Ảnh cắt từ clip

Nói về nguyên nhân sâu xa, chuyên gia này cho biết, Việt Nam cũng nằm trong vòng xoáy chung của vấn nạn bạo lực học đường xảy ra ở nhiều nước trên thế giới.

“Bộ phim ‘Vinh quang trong thù hận’ của Hàn Quốc gần đây rất nổi tiếng về vấn đề phản ánh sâu sắc, chân thực đến khủng khiếp về vấn đề bạo lực học đường. Trong đó, hành vi bạo lực học đường không những là tình trạng riêng đầy nguy hiểm và cấp bách của riêng Hàn Quốc, mà còn trở thành hiện trạng điển hình cho cả vùng văn hoá phương Tây lẫn vùng văn hoá phương Đông. Hiện nay học đường đang thành miếng mồi ngon cho sự tấn công về bạo lực, từ cả bên ngoài xã hội, lẫn bên trong của chính quan hệ thầy trò trong nội bộ nhà trường. Việt Nam cũng như các quốc gia trên trái đất này, đã chưa thể ra khỏi tình hình chung đó, nhất là ở các đô thị lớn. Nhưng giờ đây, tình trạng này đã xảy đến cả các vùng sâu, vùng xa, và ở đây, đã xảy ra ở Tuyên Quang” – PGS.TS Minh Thái nói.

Chuyên gia khẳng định đây là một hiện tượng xã hội thể hiện sự suy đồi đạo đức và cần sớm phải dùng pháp luật và sự phẫn nộ của dư luận xã hội để giải quyết về căn bản và dứt điểm.

“Rõ ràng phải xử lý nghiêm học trò tấn công thầy cô giáo hoặc ngược lại là thầy cô tấn công học sinh. Cả hai phía đều không được phép dùng bạo lực để tấn công, trừng trị nhau. Và khi chuyện đau lòng ấy xảy ra, cả hai phía đều buộc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” – PGS.TS Minh Thái bày tỏ quan điểm.

Bà cũng cho rằng để xảy ra sự việc, bố mẹ - phụ huynh học sinh - cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của con mình và cần đề nghị nhà trường xử lý thích đáng, tránh bao che và tìm cách “chạy tội” cho cái sai của con cái. Đồng ý rằng, hiện nay giáo viên phải chịu nhiều sức ép từ nhiều phía, nên chăng, cần có Luật Nhà giáo và cần sớm thực thi luật này, để bảo vệ các nhà giáo, đồng thời dùng luật để ngăn chặn những hành động bạo lực rất có thể xảy ra, từ phía những người thầy, đối với học trò của chính mình.

Trước đó, như Lao Động đã thông tin, chiều 4.12, xuất hiện đoạn clip dài hơn 4 phút, ghi lại cảnh một nữ giáo viên bị nhóm học sinh tấn công tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Nhóm học sinh này dồn cô giáo vào tường, ném bằng dép, giấy rác vào người cô và liên tục buông những lời thô tục.

Liên quan sự việc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang xác minh, làm rõ vụ việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn