MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) cùng học trò. Ảnh: NVCC

Học sinh ném dép vào cô giáo, nghĩ về chữ lễ trong xã hội ngày nay

Hà Quyên LDO | 12/12/2023 07:58

Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với thầy giáo Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) - về chữ lễ trong xã hội hiện đại.

Sự việc xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, Sơn Dương, Tuyên Quang khiến nhiều người cho rằng quan điểm “tiên học lễ” ngày nay đã khác xưa. Quan điểm của thầy về điều này như thế nào?

- Tất nhiên, quan điểm về chữ lễ hiện nay khác xưa rất nhiều, thậm chí không được coi trọng. Bên cạnh đó, tôi thấy rằng lớp trẻ ngày nay chưa hiểu sâu bản chất của chữ lễ. Chính vì vậy trong một số cơ sở giáo dục buông lỏng việc giáo dục nhân cách, đạo đức, nề nếp, kỷ luật và những cách ứng xử giao tiếp cho học sinh. Thậm chí, có những cơ sở tôi nghĩ chưa quan tâm một cách đúng mực tới yêu cầu giáo dục trong nhà trường dẫn tới việc thực hành giáo dục đạo đức chưa đạt yêu cầu như mong muốn.

Tôi cho rằng chúng ta không nên hiểu đơn giản lễ chỉ là sự lễ phép của trò với thầy mà cần hiểu là phải giáo dục để hình thành nhân cách cho học sinh. Chữ lễ ở đây chúng ta phải thấy chính là việc chúng ta biết coi trọng đạo đức, coi đó là nền tảng, gốc rễ trong giáo dục.

Trong giáo dục, trước hết phải dạy làm người, tức trở thành con người có nhân cách, có đạo đức chứ không phải con người chung chung. Do đó, dù xã hội có thay đổi như thế nào, tôi cho rằng “tiên học lễ” luôn là quan niệm đúng đắn. Tiếc là hiện nay, nhiều cơ sở chỉ biết chú trọng dạy kiến thức mà quên đi việc dạy đạo đức, trau dồi chữ lễ cho học sinh.

Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) khẳng định học trò vẫn luôn cần tôn trọng giáo viên. Ảnh: NVCC

Thế nhưng, học trò ngay nay cũng khác xưa, đỏi hỏi các em phải bản lĩnh hơn, chủ động, sáng tạo hơn. Liệu rằng khái niệm về lễ nói chung, lễ trong môi trường giáo dục cũng cần có những thay đổi?

- Tất nhiên, ngày xưa, thầy là người truyền đạt kiến thức cho học trò, thầy nói gì cũng đúng, trò cũng nghe theo một cách thụ động. Với xã hội hiện đại, con người năng động hơn. Học trò vì thế cũng có những tiếng nói của mình, không chỉ nghe giảng một chiều như trước. Các em được nói lên tiếng nói của mình, thậm chí phản biện lại thầy cô với những thông tin không đúng. Về phía người thầy, bây giờ quan điểm đúng là coi các em như những người bạn, gần gũi và sẻ chia cùng các em.

Nói như thế không phải chữ lễ bị mất đi. Vẫn cần có những ranh giới rõ ràng, học sinh cũng phải biết đâu là giới hạn, phân biệt đâu là giới hạn, phép tắc giữa thầy và trò. Trò được thoải mái phản biện, sáng tạo, chủ động nhưng ẩn sâu trong đó phải có sự tôn trọng thầy cô chứ không phải vượt qua đạo đức thông thường.

Là học trò, các em phải có sự tôn kính với thầy cô, tôn kính cha mẹ và những người hơn tuổi, hòa đồng, thân ái, thân thiện với bạn bè. Đó là những giá trị cần giữ gìn và không thể thay đổi. Nếu chúng ta làm tốt được việc giáo dục như thế này này thì trong nhà trường sẽ giảm đi các vụ bạo lực học đường, nếu có thì chắc chắn cũng không đến mức xảy ra nghiêm trọng như sự việc ở Tuyên Quang vừa rồi.

Tất nhiên về phía thầy cô, đòi hỏi phải luôn rèn luyện, thực hành việc học tập đạo đức để trở thành con người có nhân cách. Tức thầy cô cũng phải tiếp tục rèn luyện để nhân cách được hoàn thiện chứ không chỉ chú trọng vào chuyên môn. Trong cách giao tiếp phải làm sao để xứng đáng người thầy, là tấm gương để học sinh nhìn vào.

Vậy chúng ta cần phải làm gì để giữ lại chữ lễ trong cuộc sống?

Tôi nghĩ trước hết đối với mỗi nhà trường phải chú trọng giáo dục đạo đức cho học sinh, việc giáo dục này phải là cả quá trình và thực hiện bài bản từ những lớp nhỏ nhất cho đến lớp cuối cấp. Càng chú trọng và đặt vai trò với đúng tầm quan trọng của nó sẽ có thay đổi rất nhiều theo chiều hướng có hiệu quả trong môi trường giáo dục hiện nay.

Tuy nhiên, mình nhà trường không thể làm được, rõ ràng cần sự phối hợp giáo dục của gia đình và cả sự vào cuộc của toàn xã hội. Cần nhận thức về tầm quan trọng của việc giáo dục lễ nghĩa, nhân cách cho học sinh. Nếu chỉ tập trung quá nhiều vào việc dạy kiến thức thì khó mà thành công. Phải hài hòa cân đối giữa giáo dục kiến thức và đạo đức.

Theo thầy, với hành vi của các em học sinh ở Tuyên Quang mới đây, đâu sẽ là biện pháp xử lý phù hợp và hiệu quả với các em?

- Tôi cho rằng “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Một khi học sinh có hành vi vô lễ, không thể chấp nhận trong nhà trường thì phải xem lại cách giáo dục trong nhà trường đã làm tốt chưa, đúng chưa. Các thầy cô giáo cũng phải nhìn lại mình đã thực sự là tấm gương cho học sinh hay chưa? Trong quá trình dạy và học đó mình đã xứng đáng là thầy, cô chưa?

Còn trong gia đình, cha mẹ cũng là tấm gương quan trọng trong việc giáo dục con cái. Nếu buông lỏng, giao phó cho nhà trường theo kiểu “trăm sự nhờ cô” là không được. Vai trò của cha mẹ trong việc dạy dỗ, uốn nắn con rất quan trọng.

Xã hội với những tấm gương tiêu cực, ảnh hưởng của internet, truyền thông hàng ngày có tác động đến nhân cách các em. Tóm lại, tất cả phải xem xét lại. Các em đang ở lứa tuổi có những biến động về tâm sinh lý, nếu không uốn nắn chắc chắn sẽ xảy ra những hiện tượng như vậy.

Tôi cho rằng trước hết phải xem ở nhà trường sai đến đâu chỉnh đến đó. Không phải chỉ ở Trường THCS Văn Phú mà tất cả cơ sở trong cả nước phải xem xét lại, xem cách giáo dục đã đảm bảo yêu cầu chưa. Về từng gia đình cũng phải xem xét. Có như vậy mới có sự thay đổi tích cực được.

Còn với nhóm học sinh này phải xem xét các yếu tố, đánh giá cụ thể với các em. Chỉ có những người trực tiếp mới đánh giá được, có những em do tác động của gia đình, có những em chỉ vì a dua hoặc có những em do chưa được giáo dục tốt. Phải xem xét mới có hình thức phù hợp.

Xin cảm ơn thầy!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn