MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường THCS Văn Phú - nơi xảy ra sự việc nữ giáo viên dạy nhạc bị học sinh dồn vào góc lớp, lăng mạ, ném dép vào đầu. Ảnh: Việt Bắc.

Học sinh ném dép vào cô giáo, nhà trường không thể vô can

Vương Trần thực hiện LDO | 07/12/2023 16:02

Nhấn mạnh hành vi vô lễ của nhóm học sinh ném dép vào giáo viên tại một trường THCS ở Tuyên Quang là hoàn toàn lệch chuẩn và đi ngược lại nỗ lực trong xây dựng văn hóa học đường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng, nhà trường, gia đình cũng không thể vô can trong sự việc này. Lao Động có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga về nội dung trên.

Vừa qua, một nhóm nam học sinh tại trường THCS Văn Phú ở Tuyên Quang có lời lẽ, hành vi xúc phạm, ném dép, quây cô giáo trong góc lớp. Suy nghĩ đầu tiên của bà trước những hành động này?

- Đầu tiên, tôi thấy rằng, đây là sự việc rất đáng tiếc. Khi biết sự việc này qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi cảm thấy rất buồn và sốc.

Điều đáng nói, chúng ta vừa trải qua tháng 11 - tháng nói nhiều về tình thầy - trò và sự tri ân các nhà giáo. Đến những ngày đầu tháng 12, chúng ta lại nhận được những thông tin đáng buồn như thế này.

Sự việc học trò ứng xử với giáo viên một cách rất vô lễ, thiếu văn hóa ở Trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) một lần nữa gióng lên những hồi chuông cảnh báo, cảnh tỉnh về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là học sinh.

Dù bất cứ lý do gì, hành động của nhóm học sinh ở Tuyên Quang với cô giáo đều là không thể chấp nhận được, không có gì để biện minh cho các em trong hành vi vi phạm này.

Qua tường trình của cô giáo mà tôi được biết trên các phương tiện thông tin đại chúng, sự việc này không phải diễn ra lần đầu tiên. Hiện tượng này đã từng xảy ra trước đó với cô giáo này.

Đây là những ứng xử không thể chấp nhận được trong môi trường học đường. Đây là sự vô lễ giữa học sinh với giáo viên - người mà lẽ ra học sinh phải rất tôn kính. Điều này đi ngược lại với truyền thống tôn sư, trọng đạo của người Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng

Vậy trách nhiệm trong việc để xảy ra sự việc này như thế nào, nhà trường và gia đình có vô can?

- Nguyên nhân của sự việc đang được xác định, làm rõ. Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý thì nhà trường không thể vô can trong trường hợp này. Bất kỳ sự việc nào xảy ra trong môi trường học đường thì nhà trường đều không vô can.

Mặt khác, theo các phương tiện thông tin đại chúng thì sự việc này không phải chỉ xảy ra một lần và không phải là không ai biết. Ở đây phải thẳng thắn rằng, sự vào cuộc của nhà trường chưa được kịp thời.

Dù bất cứ lý do gì đi chăng nữa thì ứng xử, hành vi của học sinh là hoàn toàn lệch chuẩn và đi ngược lại nỗ lực trong xây dựng văn hóa học đường, môi trường học đường.

Qua sự việc này, chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về giải pháp giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ và cho học sinh, đặc biệt là trong môi trường học đường được hiệu quả hơn.

Trong sự việc này, trách nhiệm của gia đình và xã hội trong "kiềng 3 chân" của giáo dục là “gia đình - nhà trường - xã hội” cũng rất quan trọng. Gia đình và xã hội cũng có những ảnh hưởng lớn trong việc hình thành nhân cách của các em.

Trong sự việc này, ít nhất mỗi cá nhân, bản thân người lớn cũng nhìn nhận lại mình để xem đã có đóng góp như thế nào để xây dựng “bầu khí quyển văn hóa xã hội” cho các em lớn lên. Không ai có thể nói là mình vô can.

Chúng ta một lần nữa phải nhìn nhận lại xem những ứng xử trong xã hội, ứng xử trong gia đình đã thực sự chuẩn mực để tạo nên “bầu khí quyển văn hóa” lành mạnh cho con em mình lớn lên hay không.

Ngày càng nhiều hơn các sự việc tương tự đã xảy ra, phải chăng do các em học sinh được nuông chiều?

- Đây là một nhận định. Có thể do học sinh được nuông chiều nhưng cũng có thể do nhiều em học sinh đã không được quan tâm một cách đúng mức. Quan tâm ở đây là quan tâm của toàn xã hội chứ không phải chỉ của một gia đình.

Như tại Kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV, tôi đã phát biểu, thông tin xấu độc, bạo lực tràn lan trên mạng xã hội, trẻ em thoải mái tiếp cận mà không có hàng rào bảo vệ một cách hữu hiệu.

Trong khi đó, các em chưa có đủ sức “đề kháng văn hóa”, đang trong quá trình hình thành nhân cách để phân biệt được tốt, xấu, đúng, sai một cách rất rạch ròi, đặc biệt là thông tin độc hại trên mạng xã hội. Nhiều khi các em lầm tưởng, ví dụ như bạo lực thì lại nhầm tưởng đó là những hành vi dũng cảm, anh hùng.

Thực tế, việc chúng ta quản lý mạng xã hội, ngăn chặn thông tin xấu độc đó cũng là điều cần trăn trở.

Việc quan tâm ở đây không phải chỉ là bữa ăn, giấc ngủ hàng ngày của học sinh. Sự quan tâm ở đây phải sâu xa, toàn diện hơn nữa.

Về phía cơ quan chức năng, việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vô cùng quan trọng. Bên cạnh những thuận lợi trên không gian mạng thì rõ ràng cũng có những tác động tiêu cực.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn