MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Vũ Việt Anh, chuyên gia tâm lý giáo dục, Giám đốc Học viện Thành Công nhìn nhận vấn đề sập trần lớp học khiến 8 học sinh bị thương. Ảnh: NVCC

Học sinh nhập viện do sập trần lớp học, bài học đắt giá cho ngành giáo dục

Tuyết Anh thực hiện LDO | 27/12/2023 18:44

Vụ sập trần lớp học khiến học sinh tại Trường Phổ thông Hermann Gmeiner (Nghệ An) phải nhập viện điều trị đang khiến dư luận bàng hoàng và xót xa. Báo Lao Động đã có buổi trò chuyện cùng TS Vũ Việt Anh, chuyên gia tâm lý giáo dục, Giám đốc Học viện Thành Công về vấn đề này.

Trước sự việc sập trần lớp học tại Trường Phổ thông Hermann Gmeiner (Nghệ An) khiến 8 học sinh bị thương, ông nhìn nhận và đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Tôi rất đồng cảm và đau xót về sự cố đáng tiếc xảy ra ở Trường Phổ thông Hermann Gmeiner (Nghệ An), khiến nhiều học sinh bị thương nặng. Đây là một bài học đắt giá cho cả ngành giáo dục và xã hội về việc đảm bảo an toàn trong trường học.

Vì bất kỳ phụ huynh nào khi đưa con đến trường cũng mong muốn con có một môi trường học tập và vui chơi an toàn, lành mạnh. Sự việc trên là điều mà không một ai mong muốn xảy ra và chúng ta cần nghiêm túc giải quyết để không xảy ra sự việc tương tự.

Vậy theo ông, trách nhiệm trong vụ sập trần gỗ lớp học ở Trường Phổ thông Hermann Gmeiner (Nghệ An) thuộc về ai?

- Theo tôi, đây là một vấn đề phức tạp và cần được xem xét từ nhiều góc độ. Đối với nhà trường cần có trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng của nhà trường gây ra.

Hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên và các cấp quản lý của nhà trường cũng phải chịu trách nhiệm về việc đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên. Họ cần phải kiểm tra, báo cáo và khắc phục các sự cố. Phát hiện nguy cơ tiềm ẩn trong công trình xây dựng, không để xảy ra tình trạng bất cẩn, lơ là, chủ quan.

Nếu dự án xây dựng khu phòng học đó gặp sai phạm thì chủ đầu đầu tư cũng phải đứng ra chịu một phần trách nhiệm và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, trách nhiệm không chỉ dừng lại ở mức pháp lý, mà còn liên quan đến mức đạo đức và nghề nghiệp.

Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có trách nhiệm trong việc giám sát, kiểm tra và đôn đốc các trường học về việc bảo dưỡng, xây mới cơ sở vật chất.

Để phòng chống các vụ tai nạn gây thương tích trong môi trường giáo dục, đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh, chúng ta cần phải làm gì?

- Theo tôi, để phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh và giáo viên trong môi trường giáo dục, cần có sự kết hợp giữa các biện pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp quản lý, nhà trường, giáo viên, phụ huynh và chính trẻ em về việc phòng chống tai nạn thương tích. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục về hậu quả, cách phòng ngừa và xử lý các tai nạn thương tích cho đối tượng liên quan.

Tạo ra văn hóa an toàn trong môi trường giáo dục, nơi mọi người đều có ý thức tuân thủ quy định, quy tắc và thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn cho bản thân cũng như những người xung quanh.

Thứ hai, các trường học cần lên kế hoạch cải thiện môi trường học tập, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo an toàn cho học sinh. Trang bị biển báo, dấu hiệu, hướng dẫn an toàn ở khu vực có nguy cơ cao gây tai nạn thương tích.

Ngăn chặn, hạn chế các yếu tố nguy hiểm như vật sắc nhọn, nguy cơ bỏng, điện giật, ô nhiễm hóa chất, khu vực nước sâu, nguy hiểm,... xuất hiện trong khu vực trường học.

Thứ ba, các bên liên quan cần thực thi quy định pháp luật về phòng chống tai nạn thương tích trong môi trường giáo dục. Đưa ra quy chế, quy trình, quy phạm, quy tắc về an toàn cho trẻ em trong hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, thể dục, thể thao, nghệ thuật, văn hóa, du lịch,...

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá, xử lý kịp thời các vi phạm, sự cố, tai nạn thương tích xảy ra trong môi trường giáo dục.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn