MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều giáo viên, học sinh ủng hộ phương án thi tốt nghiệp THPT 2+2. Ảnh: Hải Nguyễn

Học sinh nín thở chờ đợi chốt phương án thi tốt nghiệp THPT với 4 môn

Thanh Hằng LDO | 25/11/2023 14:34

Đề xuất phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) 2+2 từ năm 2025 nhận được nhiều sự ủng hộ của người học và người dạy.

Giảm bớt áp lực thi cử với học sinh

Phương án 2+2 cụ thể là thi bắt buộc môn Ngữ văn, Toán và được lựa chọn 2 môn học trong lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Vui mừng khi biết tin Bộ GDĐT đề xuất phương án 2+2, em Nguyễn Thị Quyên - học sinh Trường THPT Hậu Lộc 1 (Thanh Hoá) cho biết, việc thi 4 môn sẽ giảm áp lực thi cử cho học sinh.

“Em ủng hộ phương án thi 4 môn do Bộ GDĐT đề xuất, số môn thi bắt buộc giảm, gánh nặng áp lực thi cử của học sinh cũng sẽ giảm đi rất nhiều. Lúc đó, chúng em sẽ có nhiều thời gian hơn để ôn tập kỹ lưỡng cho kỳ thi quan trọng và định hướng nghề nghiệp sau này.

Chỉ còn hơn 1 năm nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ diễn ra nhưng hiện tại, Bộ GDĐT vẫn chưa công bố phương án thi chính thức và bộ đề thi minh họa để học sinh, giáo viên nắm bắt được cách thức ôn tập và thi cử. Vậy nên, em rất lo lắng và mòn mỏi chờ đợi chốt phương án thi tốt nghiệp THPT với 4 môn” - Quyên nói.

Ủng hộ phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo hướng 4 môn, em Đỗ Thanh Hải - học sinh Trường THPT Ninh Giang (Hải Dương) cho rằng phương án này vừa giảm áp lực thi cử cho học sinh, vừa giảm bớt chi phí cho gia đình, xã hội.

Đặc biệt, việc giảm môn thi còn làm kỳ thi trở nên gọn nhẹ hơn nhưng vẫn có thể bảo đảm độ tin cậy, đánh giá đúng toàn diện năng lực của học sinh và thuận lợi cho việc thí sinh lấy điểm xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học.

Phương án thi 2+2 giúp giảm áp lực thi cử. Ảnh: Hà Phương

Đảm bảo sự cân bằng, đánh giá toàn diện năng lực người học

Năm 2025, chương trình mới sẽ áp dụng đồng bộ ở tất cả các bậc học từ tiểu học đến THPT. Đây cũng là năm đầu tiên, học sinh bắt đầu tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục mới.

Chia sẻ về đề xuất phương án thi 2+2 của Bộ GDĐT, cô Nguyễn Thị Mai Loan - Giáo viên Trường THPT Chuyên Bắc Ninh nhận định, phương án này vẫn có thể đánh giá được toàn diện năng lực người học.

Với 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại trong chương trình sẽ đảm bảo học sinh có năng khiếu, thiên hướng theo lĩnh vực nào có thể lựa chọn, định hướng nghề nghiệp và xét tuyển đại học.

“Với phương án này, học sinh có mong muốn đi du học hoặc yêu thích ngành ngoại ngữ có thể thi môn lựa chọn là Tiếng Anh. Những bạn có thế mạnh về lĩnh vực khoa học xã hội có thể chọn thi 2 môn Lịch sử và Địa lý. Thí sinh có thiên hướng về lĩnh vực khoa học tự nhiên có thể chọn thêm Vật lý và Hóa học.

Như vậy, việc thi tốt nghiệp THPT sẽ trở nên nhẹ nhàng, vừa giảm áp lực cho học sinh vừa đánh giá cụ thể năng lực cho người học” - cô Loan nói.

Đồng tình quan điểm, cô Nguyễn Thị Thanh Bình - giáo viên Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An cho rằng, phương án 2+2 là phù hợp, tạo sự công bằng giữa các học sinh bởi điều kiện tiếp cận kiến thức giữa học sinh vùng thuận lợi và học sinh vùng khó khăn không đồng nhất.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục đích tổ chức thi theo phương án 2+2 nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông, cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn