MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Học sinh nói gì về việc xưng hô "con" với thầy cô?

Hương Huế LDO | 14/02/2022 16:00
Nhiều học sinh đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với ý kiến của Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân.

Mới đây, Nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lại Nguyên Ân bày tỏ quan điểm: Yêu cầu giáo viên và cán bộ giáo dục không gọi học sinh là “con”. Ông cho rằng cần loại bỏ ngày cách xưng hô này khỏi trường học, khuyến khích sinh viên xưng "tôi" với giáo viên. Ông cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm thảo một quy chế về xưng hô trong nhà trường, trong đó giáo viên và học sinh, sinh viên thay đổi cách gọi.

Trước ý đề xuất của nhà nghiên cứu Lại Thiên Ân, nhiều học sinh, sinh viên đã chia sẻ quan điểm của mình. Nguyễn Phạm Vân Anh - học sinh trường Nguyễn Văn Tố, Hà Nội chia sẻ: "Việc xưng "Con" với giáo viên tạo ra sự thân thiết,  gắn kết của một tập thể hơn, cũng như là tôn trọng với giáo viên khi học sinh là người bề dưới".

 Nguyễn Phạm Vân Anh (bên trái) - học sinh trường Nguyễn Văn Tố, Hà Nội.

"Nếu dùng "Tôi" thì khác gì học sinh, sinh viên ngang hàng ngang hàng với giáo viên. Em thấy ở bên Mỹ họ xưng "I", "You"... chung chung, bất kể người nói với mình là ai, vì đó là đặc điểm ngôn ngữ của họ. Còn tiếng Việt mình nhiều từ để xưng hô, xưng "Tôi" như thể hiện mình ngang hàng với thầy cô. Xưng "em", "con" không có vấn đề gì mà vẫn có thể nếu lên ý kiến của mình".

Theo đó, Vân Anh cũng chia sẻ việc học sinh xưng "con" cũng thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt mình. Thể hiện cá tính, cá tôi có thể tùy lúc, tùy chỗ. Nhưng việc tôn trọng thầy cô thì lúc nào cũng cần. Việc xưng "con" vừa gần gũi, vừa thể hiện sự tôn trọng hơn.

Nguyễn Thị Anh Tú - Học sinh trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc

Nguyễn Thị Anh Tú, học sinh trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc cũng đưa ra quan điểm: "Xưng tôi thì có phần hơi cứng nhắc và đề cao cái tôi cá nhân quá. Đứng trước thầy cô thì cần khiêm nhường và thể hiện sự kính trọng, có trên dưới".

Theo Anh Tú, việc xưng hô "con" với thầy cô là hoàn toàn có thể chấp nhận và khuyến khích. Xưng hô như vậy hoàn toàn không hề vi phạm chuẩn mực, thuần phong mỹ tục, ngoài ra còn tạo cảm giác gắn bó, thân thiết (giống như thành viên trong gia đình), cũng là cách gọi lâu nay mà nhiều học sinh vẫn sử dụng

Phạm Yến Nhi - trường THPT Nguyễn Xuân Ôn, nghệ An

Phạm Yến Nhi, học sinh trường THPT Nguyễn Xuân Ôn, Nghệ An cũng cho rằng cách xưng hô "tôi" quá ngang hàng với thầy cô. "Các thầy cô lớn hơn mình nhiều, và mình đối với các thầy cô là sự tôn kính nên em nghĩ xưng hô là "em hoặc con" vẫn sẽ hợp lý hơn. Bản thân em vẫn luôn xưng hô là "em - thầy, em - cô" như vậy vừa thể hiện được phép tắc lễ nghi mà vẫn gần gũi với thầy, cô giáo."

Nguyễn Thị Thúy Lan - THPT Cẩm Phả, Quảng Ninh

Nguyễn Thị Thuý Lan học sinh trường THPT Cẩm Phả, Quảng Ninh đồng tình với quan điểm bỏ cách xưng hô “con” với thầy cô những cũng không ủng hộ cách xưng "tôi" với thầy cô.

"Em nghĩ trường học là môi trường cung cấp kiến thức, giáo viên là người giúp mình học được nhiều thức và mối quan hệ ấy là giáo viên với học sinh. Mình chỉ xưng hô "con" với bố mẹ, với ông bà cô chú bác thì là "cháu" và với thầy cô là "em". Mình phân chia xưng hô rõ ràng chứ không để lẫn lộn."

Tiếng Việt có một hệ thống từ xưng hô đa dạng, phức tạp, việc thay đổi cách xưng hô trong nhà trường cần phải xét trên nhiều phương diện. Chúng ta cần biết vận dụng sao cho phù hợp và tạo không khí giao tiếp trang trọng, thoải mái kính trên nhường dưới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn