MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Học sinh, phụ huynh phản đối về bỏ cộng điểm nghề khi tuyển sinh lớp 10

HUYÊN NGUYỄN LDO | 08/01/2018 13:07

Dự thảo quy định bỏ cộng điểm nghề đang gây nên nhiều những tranh luận trái chiều. Trong đó, nhiều học sinh, phụ huynh cho rằng học sinh đã bỏ tiền bạc và công sức học nghề vì biết sẽ được cộng điểm, nếu không được cộng điểm thì đã không học.

Vừa qua, Bộ GDĐT đã công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Đáng chú ý Bộ GDĐT lấy ý kiến cơ sở về việc không sử dụng kết quả các cuộc thi do các địa phương, đơn vị tổ chức làm căn cứ tuyển sinh đầu cấp.

Vì thế, có thể sắp tới học sinh có chứng nhận nghề phổ thông trong kỳ thi do Sở GDĐT tổ chức ở cấp THCS sẽ không còn được cộng điểm khuyến khích khi tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Ông Bá Trần (Nguỵ Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Con gái tôi hiện đang học lớp 9. Chuẩn bị sắp tới cháu sẽ thi môn nghề. Nếu bỏ cộng điểm thì công bố từ đầu năm học, chứ sát ngày thi như thế này sẽ ảnh hưởng tâm lý học sinh. Cháu có trao đổi với bố mẹ rằng rất hoang mang không biết như thế nào. Đã bỏ nhiều công sức học tập mà có khả năng thành công cốc”.

Một phụ huynh Trường THCS Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết đã cho con đi học nghề cắm hoa ở trường ngay từ lớp 8. Nếu không phải do quy định được cộng điểm thi tuyển sinh vào 10 thì phụ huynh này cũng không cho con theo học.

Trái ngược với ý kiến trên, ông Nguyễn Quang Tùng – Hiệu trưởng THCS Lomonoxop, Hà Nội lại đồng tình với quan điểm nên bỏ điểm cộng. Vị hiệu trưởng phân tích: Thực tế, những kỹ năng trong bộ môn giáo dục hướng nghiệp như: Cắm hoa, điện, thêu thùa… rất cần cho học sinh sau này. Nhất là những học sinh ở thành phố dường như không phải làm gì nên những kỹ năng đó các con hầu như không biết.

Tuy nhiên, ý nghĩa tốt đẹp của giáo dục hướng nghiệp dường như đang bị biến tướng với suy nghĩ học để được cộng điểm. Nhiều học sinh chỉ đăm đăm suy nghĩ việc mình học nghề được xếp loại gì và được cộng bao nhiêu điểm khi tuyển sinh, chứ không hề chú tâm vào môn học và ý nghĩa thực sự của nó. Đó cũng là một biểu hiện của bệnh hình thức trong giáo dục. Việc duy trì một cuộc thi tốt nghiệp nghề để cộng điểm vào cấp 3 thực sự rất cồng kềnh và tốn kém mà hiệu quả không cao.

“Tôi hiểu được sự phản đối về việc bỏ cộng điểm nghề khi học sinh thi tuyển sinh vào 10 của các bậc phụ huynh. Trước sự thay đổi mới, đương nhiên sẽ có những người phải hy sinh quyền lợi, nhưng nếu chúng ta không dám làm thì không bao giờ tiến bộ được. Tôi mong các phụ huynh chỉ nghĩ đơn giản thế này: Chúng ta sẽ vẫn duy trì việc học nghề ở bậc THCS, chỉ thay đổi là trước kia các con được cộng điểm khi tuyển sinh vào 10 thì giờ không được cộng điểm nữa”, ông Tùng chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn