MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thầy giáo Nguyễn Phi Hùng trong một tiết dạy online. Ảnh: NVCC

Học sinh quá tải, không biết chọn học gì khi có nhiều chương trình online

HUYÊN NGUYỄN LDO | 22/03/2020 12:37
Hiện nay với việc có quá nhiều chương trình học trực tuyến cùng với thời gian dạy học kéo dài dễ khiến học sinh bị quá tải. Vì vậy, mỗi gia đình cần có những lựa chọn phù hợp và sắp xếp thời gian học tập, thư giãn hợp lí để đảm bảo sức khoẻ cho học sinh.

Cảnh báo việc học online ồ ạt

Nhiều tuần qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 thì học qua Internet, trên truyền hình đang là giải pháp số 1 để hỗ trợ học sinh, sinh viên học tập. Bên cạnh những ưu điểm đã thấy rõ về sự linh hoạt và an toàn cho học sinh, một số ý kiến cũng bày tỏ lo ngại.

Chia sẻ về những áp lực mà học sinh có thể mắc phải khi chưa có thói quen học tập từ xa, ông Trần Mạnh Tùng – giáo viên Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội bày tỏ: Hiện nay, rất nhiều hình thức dạy học trực tuyến khác nhau được triển khai.

Ở trường, học sinh phải học online theo chương trình trên lớp, giáo viên lớp học thêm cũng tổ chức giảng dạy online, trên các đài truyền hình địa phương, sở địa phương, nhiều đài truyền hình cấp trung ương… cũng đều có chương trình riêng.

Các chương trình này đều uy tín, có thể sẽ là nội dung thi và kiểm tra, đánh giá vì thế khiến cho học sinh bị “ngợp”, không biết học gì, bỏ chương trình nào. Bên cạnh đó, hình thức dạy học online chưa đa dạng, sinh động nên sẽ gây cảm giác nhàm chán cho học sinh. Việc học online cũng sẽ mất khá nhiều thời gian mỗi ngày để vừa học, vừa làm bài tập nên với các em chưa quen phương pháp học thì sẽ dễ bị quá tải.

Ông Trần Mạnh Tùng chia sẻ thêm: Dạy online là một sự cố gắng rất lớn của thầy cô, nhà trường và xã hội bởi để dạy được không chỉ cần nhiệt huyết, công sức của các thầy cô mà còn là nền tảng và sự ủng hộ, hỗ trợ của nhiều cơ quan, tổ chức. Tuy vậy, nhìn nhận thẳng thắn thì các lĩnh vực đều đang yếu như giáo viên, nhà trường chưa chủ động trong phương pháp dạy phòng dịch, cơ sở vật chất còn hạn chế, đường truyền kém, trình độ công nghệ thông tin của giáo viên chưa tốt, thói quen của thầy và trò vẫn là sự tương tác...

“Tôi mong rằng các thầy cô bên cạnh truyền tải kiến thức cũng lắng nghe tâm tư tình cảm, tư tưởng, suy nghĩ, thuận lợi, khó khăn để hỗ trợ học sinh một cách phù hợp. Các thầy cô cũng không nên quá “tham” chương trình, chỉ nên tập trung vào những nội dung trọng yếu. Những phần có thể giao cho học sinh tự học thì có thể để các em chủ động”, ông Tùng nói.

Ông Tùng cũng mong muốn một số giáo viên tăng cường tìm hiểu để đưa ra được phương pháp dạy học hấp dẫn cho học sinh như câu đố, hình thức học mà chơi… thay vì chỉ đứng trước màn hình giảng một mạch 45-90 phút khiến học sinh nhàm chán.

Cần một thời gian biểu hợp lý

Với quan điểm tương tự, ông Nguyễn Phi Hùng - giáo viên Trường THPT Anhxtanh chia sẻ bí quyết muốn có được một bài giảng online hay, sinh động, lôi cuốn người học và có chất lượng chuyên môn, thầy cô giáo cần phải đầu tư rất nhiều thời gian, tâm sức trong việc thiết kế, soạn giảng. Bên cạnh trình độ chuyên môn, thầy cô cần tìm được cách giao tiếp với học sinh để xoá đi khoảng cách của dạy học trực tuyến.

Đồng thời, theo ông Hùng cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lí, các chuyên gia để tập huấn hướng dẫn các thầy cô làm chủ công nghệ, chia sẻ các phương pháp hay. Việc học trực tuyến rất cần sự ủng hộ của phụ huynh và nhất là thiện chí, thái độ nghiêm túc, cầu tiến, ham học của học sinh.

“Phụ huynh và học sinh cũng cần xây dựng một thời gian biểu học tập hợp lí, tránh chạy đua học online theo kiểu "lấp chỗ trống", xếp lịch học dày kín khiến con quá tải. Thực tế, mỗi giờ học online không nên quá dài, sẽ gây căng thẳng cho học sinh, nhất là những học sinh ở cấp tiểu học và trung học cơ sở”, thầy giáo Nguyễn Phi Hùng chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn