MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Học sinh, sinh viên chi tiền để trải nghiệm ChatGPT

HOÀI ANH LDO | 03/02/2023 11:25

Trong khi Huy Hùng trải nghiệm ChatGPT bằng câu hỏi liên quan đến Kinh tế vĩ mô, thì Ngọc Khánh trải nghiệm bằng cách yêu cầu AI này phân tích 1 khổ thơ đầu bài thơ Tây Tiến. 

Thấy nhiều bạn bè đăng hình ảnh về đoạn hội thoại với ChatGPT, Tạ Huy Hùng – sinh viên năm 2 Học viện Tài chính cũng tò mò về ứng dụng trí tuệ nhân tạo này.

Huy Hùng cho biết, do ChatGPT chưa hỗ trợ đăng ký từ Việt Nam nên em phải làm theo các hướng dẫn trên mạng để tạo tài khoản. Sau một hồi mày mò không được, nam sinh quyết định lên các hội nhóm trên Facebook và mua tài khoản ChatGPT với giá 40.000 đồng. 

Khá thích thú với môn Kinh tế vĩ mô, nên ngay từ những dòng trò chuyện đầu tiên, Huy Hùng đã hỏi ChatGPT rằng: “Kinh tế vĩ mô tác động gì đến nền kinh tế?”. Sau khoảng 45 giây, em nhận được câu trả lời gần 200 chữ từ AI này. 

“Câu trả lời mà ChatGPT đưa ra khá tương đồng với những nội dung em đã được học trên trường. Tuy nhiên, câu trả lời này chung chung và chưa có ví dụ cụ thể. Để nhận được câu trả lời chi tiết hơn, em đã phải đưa ra thêm một vài câu hỏi cho ứng dụng này” – Huy Hùng nói. 

Dù thích thú với ChatGPT, song Huy Hùng chỉ xác định đây là một nguồn tài liệu để tham khảo. Sau khi có được thông tin từ ChatGPT, em vẫn sẽ tham khảo thêm từ nhiều nguồn khác nhau để có được những thông tin chính xác nhất.

Huy Hùng cho rằng, các bạn học sinh sinh viên có thể trò chuyện với AI này để có thêm những ý tưởng mới lạ, nhưng tuyệt đối không nên sao chép toàn bộ những nội dung của ChatGPT.

“Em nghĩ rằng chúng ta có thể dựa vào ChatGPT để “đổ móng nhà” chứ không nên dùng để “xây cả căn nhà”. Việc lạm dụng, sao chép những câu trả lời của ChatGPT sẽ khiến chúng ta trở nên thụ động hơn về việc suy nghĩ, giải quyết vấn đề. Việc học tập sẽ trở nên vô nghĩa khi chúng ta không cố vận dụng những gì giảng viên truyền dạy mà chỉ chăm chăm đi chép bài từ nguồn thứ 3” – nam sinh nói thêm. 

  Ngọc Khánh hỏi ChatGPT về bài thơ Tây Tiến. Ảnh: Hoài Anh 

Còn Trương Ngọc Khánh - học sinh Trường THPT Đa Phúc (Hà Nội) phải chi ra 25.000 đồng để thuê tạo tài khoản ChatGPT bằng chính gmail của em. “Bài kiểm tra” đầu tiên mà Ngọc Khánh dành cho ChatGPT là câu hỏi liên quan đến bài thơ Tây Tiến của tác giả Quang Dũng. 

Ngọc Khánh gõ vào ô chat: “Phân tích nỗi nhớ của tác giả Quang Dũng được gửi gắm qua khổ thơ đầu bài Tây Tiến”. Em hụt hẫng khi nhận về câu trả lời: “Không tìm thấy thông tin về tác giả Quang Dũng và khổ thơ Tây Tiến. Bạn có thể cho biết thêm chi tiết để tôi có thể trả lời hợp lý hơn”. 

Nữ sinh sau đó phải gõ ra chi tiết cả khổ thơ và đặt lại câu hỏi một lần nữa. Đến lúc này, em mới nhận về được câu trả lời đúng trọng tâm từ ChatGPT. Tuy nhiên, em đánh giá những câu trả lời bằng tiếng Việt từ ứng dụng trí tuệ nhân tạo này vẫn còn lủng củng. Các câu chưa có sự liên kết với nhau mà chỉ mang tính chất liệt kê. 

Trong khi đó, Lê Mai Tấn Đạt – sinh viên năm nhất Đại học Quốc gia Singapore lại thấy khá thú vị khi trò chuyện cùng ChatGPT. Em đã thử đặt những câu hỏi về văn học, đố vui,... bằng tiếng Anh cho ChatGPT và những câu trả lời nhận về đều khiến em bật cười.

Đặc biệt, khi đặt cùng 1 câu hỏi về tác phẩm của Tiểu thuyết gia người Brazil Clarice Lispector tại 2 khung chat khác nhau, em nhận về những câu trả lời hoàn toàn khác nhau. “Thật bất ngờ khi cùng một câu hỏi nhưng ChatGPT lại tạo ra nhiều câu trả lời khác nhau với những tư duy khác nhau” - Tấn Đạt nói.

Tấn Đạt bất ngờ khi ChatGPT đưa ra 2 câu trả lời khác nhau dù nhận được cùng 1 câu hỏi. Ảnh: Tấn Đạt   

Nam du học sinh thấy AI này hữu dụng bởi với mỗi lần đặt câu hỏi, Chat GPT sẽ không xuất hiện hàng nghìn, hàng triệu kết quả như Google mà chỉ đưa ra một lời phản hồi duy nhất. Thế nhưng, đây cũng chính là “điểm yếu” của ứng dụng này khi mỗi câu trả lời không dẫn chứng nguồn cụ thể để tăng tính thuyết phục. 

Tấn Đạt cho biết sẽ sử dụng ChatGPT với mục đích giải trí và không có ý định dùng AI này để phục vụ cho việc học. 

ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một chatbot do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển. Công cụ này có khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên và cho phép chúng trò chuyện như con người. AI này có thể trả lời câu hỏi, hỗ trợ trả lời mail, viết nội dung, viết mã, viết luận...

Chỉ sau 2 tháng ra mắt, ChatGPT đã cán mốc 100 triệu người dùng và trở thành ứng dụng có tốc độ phát triển nhanh nhất trong lịch sử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn