MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sự việc xảy ra tại Trường THCS Văn Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang). Ảnh: Cắt từ clip

Học sinh tấn công cô giáo và sự im lặng đến bất lực

Hà Quyên LDO | 07/12/2023 07:59

Hình ảnh học sinh tấn công cô giáo, còn cô thì đơn độc, im lặng hứng chịu sự tấn công của các em học sinh Trường THCS Văn Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang). Câu chuyện này đang khiến các nhà giáo đau lòng, chua xót.

Thực tế buồn

Vụ học sinh tấn công cô giáo, xúc phạm, ném dép vào người cô... ở Tuyên Quang xảy ra mới đây khiến dư luận xôn xao, bất bình.

Trao đổi với Báo Lao Động, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) - chia sẻ, sau khi được xem những hình ảnh này, bản thân thầy và các đồng nghiệp đều rất buồn. Bởi đây là những hành động rất vô lễ với giáo viên. Còn cô giáo thì chỉ biết im lặng chịu trận đến bất lực.

“Những hành vi vô lễ không chỉ dừng lại ở lời nói mà còn là hành động như ném dép, ném rác vào một cô giáo. Các học sinh chỉ ở lứa tuổi lớp 6, lớp 7. Điều đáng buồn nữa là khi những hành vi phản giáo dục diễn ra, không thấy có một học sinh nào đứng ra bảo vệ cô giáo. Cô giáo rất đơn độc, hứng chịu sự tấn công của các em học sinh” - thầy Bình nói.

Về nguyên nhân, theo thầy Bình, có các yếu tố:

Thứ nhất, có thể tại trường này, việc giáo dục, quản lý đạo đức của học sinh chưa đến nơi đến chốn. Chính vì vậy, mới hình thành các hành vi và mức độ nghiêm trọng như vậy.

Thứ 2, về phía gia đình, các em không được giáo dục, quan tâm đúng mức. Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên và quan trọng nhất của trẻ. Khi gia đình thiếu quan tâm, giáo dục, trẻ sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tiêu cực từ xã hội, dẫn đến việc có những hành vi bạo lực.

Thầy Bình cho rằng, nếu không được uốn nắn sớm, ở độ tuổi lớn hơn, các em thực hiện các hành vi này sẽ không dừng lại ở mức độ bình thường, mà còn có thể gây sát thương đến người khác. Lúc đó, hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Việc gia đình và nhà trường chưa làm tốt việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh dẫn đến những hành vi thiếu chuẩn mực là điều rất đáng lo ngại.

Bên cạnh đó, những học sinh trong câu chuyện này đang ở độ tuổi có biến đổi về mặt tâm lý, có những hành vi nổi loạn. Phía cô giáo cũng chưa có những kiến thức, kỹ năng trong quá trình thực hiện giáo dục và xử lý các tình huống giáo dục, dẫn tới việc học sinh có hành vi vượt quá giới hạn.

Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Làm gì khi không vừa ý với giáo viên?

Theo thầy Bình, để đứng trên bục giảng, các thầy cô đều được học và nắm rõ cách ứng xử trong môi trường giáo dục. Trong quá trình làm việc, họ cũng tuân thủ các nguyên tắc nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong cuộc sống, có những lúc giáo viên có sơ suất trong ứng xử với học sinh dẫn tới việc học sinh không vừa lòng, thậm chí bức xúc.

Nhưng điều đó không thể là nguyên nhân và cho phép học sinh có thể xúc phạm, thậm chí là “động chân động tay” với người dạy dỗ mình.

“Tôi cho rằng, nếu học sinh được giáo dục cẩn thận bởi cả gia đình lẫn nhà trường, kể cả khi giáo viên có những hành vi làm các em không vừa lòng hoặc gây bức xúc, các em cũng sẽ không gây những hành vi như vậy” - thầy Bình khẳng định.

Theo thầy Bình, có nhiều cách xử lý tốt và chuẩn giáo dục hơn. Trong trường luôn có các tổ chức, đoàn thể, ban giám hiệu hoặc các thầy cô có trách nhiệm. Học sinh có thể phản ánh vấn đề của mình với những người này để được giải quyết.

“Câu chuyện này không phải bây giờ mới xảy ra. Đâu đó cũng có những học trò vô lễ, khiếm nhã, làm tổn thương thể chất thầy cô. Còn lần này, đáng buồn là xảy ra ở lứa tuổi học sinh nhỏ, số lượng đông trong lớp học. Chúng ta nói nhiều và cũng ghi nhận nhiều bạo lực giữa học sinh với học sinh, học sinh với thầy cô, rồi thầy cô với học sinh. Nhưng từng cơ sở giáo dục nếu có kế hoạch giáo dục đạo đức đến nơi đến chốn và có cơ chế quản lý phù hợp với hoạt động trong nhà trường thì chắc chắn không xảy ra như vậy” - Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh khẳng định.

Thầy Bình cho hay, dạy làm người rất quan trọng và phải thực hiện ngay khi các em còn nhỏ ở khối mầm non, tiểu học thay vì đợi các em đã lớn. Trong đó, chú trọng những hành vi ứng xử với gia đình, bố mẹ, anh chị em, thầy cô, nơi công cộng… Tuy nhiên thực tế, nhiều trường học hiện nay chỉ tập trung dạy kiến thức, chưa chú trọng dạy đạo đức. Những phần này có nhưng nhiều khi là môn học phụ nên không được chú trọng, là một phần nguyên nhân của tình trạng trên.

Về phía giáo viên, khi đã xác định vào nghề, họ cần trang bị kiến thức, kỹ năng ứng xử tình huống sư phạm, phương án xử lý khi xảy ra. Bên cạnh đó, đồng nghiệp, lãnh đạo cũng có vai trò xây dựng, lắng nghe, chia sẻ. Tức cần giải pháp đồng bộ để hạn chế hành vi phản giáo dục kể trên tiếp tục xảy ra.

Còn về phía gia đình, cần xác định không được nuông chiều con cái, cần quan tâm, giáo dục con em mình về kỹ năng sống, đạo đức, lối sống, để con em biết cách ứng xử văn minh, lịch sự, tránh bạo lực. Cha mẹ cần là tấm gương sáng cho con trẻ noi theo, không sử dụng bạo lực trong gia đình. Trẻ rất dễ bắt chước theo hành vi bố mẹ, xã hội, nhất là các mạng xã hội nếu không được quản lý tốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn