MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh có chứng chỉ HSK sẽ được xét miễn và tính điểm 10 môn Ngoại ngữ trong kì thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Minh Hà

Học sinh tăng cơ hội đỗ đại học vì có chứng chỉ HSK

TRÀ MY LDO | 29/12/2023 14:58

Ngoài IELTS hay TOEFL, học sinh có chứng chỉ tiếng Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật và Hàn cũng được xét miễn và tính điểm 10 môn Ngoại ngữ trong kì thi tốt nghiệp THPT.

Tự tin vì có chứng chỉ HSK

Theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các loại chứng chỉ ngoại ngữ để miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ sẽ mở rộng hơn so với năm 2023.

Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT (áp dụng cho năm 2024) đã bổ sung quy định chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi, thay vì để tại văn bản hướng dẫn tổ chức thi như trước đây.

Trong các chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được quy định tại dự thảo quy chế có chứng chỉ HSK (dành cho người học tiếng Trung).

Sở hữu trong tay chứng chỉ HSK, em Nguyễn Trâm Anh - học sinh lớp 12 tại một trường THPT tại Hà Nội cho biết, em vừa thi đỗ chứng chỉ HSK 4. Đây là cơ hội tốt để em có thể tham gia xét tuyển vào đại học.

"Có tấm bằng chứng chỉ HSK trong tay, em cảm thấy tự tin hơn khi cánh cửa đại học sẽ tới gần em một chút. Việc sở hữu HSK 4, em sẽ được miễn thi ngoại ngữ và quy đổi thành điểm 10, với em đây cũng là điều tạo lợi thế cho bản thân khi tham gia xét tuyển kì thi tốt nghiệp THPT năm tới đây" - Trâm Anh cho biết.

Bản thân Trâm Anh nhận thấy, để có được chứng chỉ HSK, nữ sinh này đã rất cố gắng ôn luyện, trau dồi kiến thức trong một thời gian dài.

"Ngoài việc học trên lớp, em còn nỗ lực ôn luyện, phấn đấu để đạt được chứng chỉ HSK. Việc này khiến em rất tốn kém nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, khi đạt được kết quả, em cảm thấy hạnh phúc vì mình đã làm được" - Trâm Anh bày tỏ.

Cũng theo Trâm Anh, ở môn tiếng Trung, nếu thí sinh có HSK cấp độ 3 hoặc TOCFL cấp độ 3 trở lên được cấp bởi Văn phòng Hán ngữ đối ngoại Trung Quốc cấp, Ủy ban Khảo thí trình độ Hán ngữ quốc gia, Tổng bộ Viện Khổng tử (Trung Quốc) hoặc Trung tâm hợp tác giao lưu ngôn ngữ giữa Trung Quốc và nước ngoài sẽ được ưu tiên xét tuyển.

Chứng chỉ ngoại ngữ sẽ mở rộng cơ hội việc làm

Hiện tại, em Tống Mỹ Linh - sinh viên Trường Đại học Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết, thời gian tới sẽ tham gia thi để lấy chứng chỉ HSK nhằm kiểm tra trình độ ngoại ngữ của bản thân cũng như giúp ích cho việc tìm kiếm công việc trong tương lai.

"Thi lấy chứng chỉ HSK là một cách hữu hiệu để kiểm tra trình độ của bản thân, tăng khả năng xin việc sau này đồng thời cũng giúp ích cho việc ứng tuyển vào các trường đại học" - Mỹ Linh nói.

Đối với Mỹ Linh, chứng chỉ HSK cũng không phản ánh toàn bộ kĩ năng ngoại ngữ của người học và chỉ nên coi nó là công cụ hỗ trợ cho công việc của mình.

"Không nên thần thánh hoá bất cứ chứng chỉ ngoại ngữ nào. Nếu cảm thấy chứng chỉ đó có ích và phục vụ cho công việc thì em mới tham gia, đối với em đây chỉ là cơ sở để cho thấy bản thân mình có khả năng ứng dụng ngoại ngữ" - Mỹ Linh bày tỏ.

Trong quá trình học tiếng Trung, Mỹ Linh cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn bởi lượng từ vựng quá nhiều.

"Từ vựng khá nhiều, ngữ pháp khó hiểu khiến bản thân em không nhớ được hết. Tuy nhiên, nếu cố gắng chăm chỉ em nghĩ mọi thứ đều có thể đạt được" - nữ sinh chia sẻ.

Theo quan sát của Mỹ Linh, hiện nay, một số trường quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ ra điểm trong xét tuyển đại học có rất nhiều: Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Mở Hà Nội...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn