MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gần 3.000 học sinh tại Tây Ninh tham gia chương trình “Gặp gỡ chuyên gia hướng nghiệp”. Ảnh: Tuệ Nhi

Học sinh Tây Ninh dự tư vấn tuyển sinh: Chọn nghề vì tương lai chính mình

TUỆ NHI LDO | 26/03/2023 19:04

Tây Ninh - “Học sinh hãy chọn nghề vì tương lai của chính mình” - các chuyên gia tư vấn chọn ngành, chọn trường đã nhắn gửi tới gần 3.000 học sinh tỉnh Tây Ninh tại buổi “Gặp gỡ chuyên gia hướng nghiệp” tổ chức ngày 26.3. 

Học sinh còn thiếu định hướng ngành nghề

Chia sẻ về xu hướng chọn ngành, chọn nghề của học sinh hiện nay, bà Lê Thị Minh Thùy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Tây Ninh) - đưa ra có 5 xu hướng.

Phổ biến nhất là chọn ngành nghề xuất phát từ nhu cầu lao động của xã hội, đa số dựa vào các phương tiện truyền thông về ngành nghề đang cần nhiều nhân lực, có cơ hội phát triển trong tương lai, dễ tìm việc, có thu nhập cao, ổn định…

Một số ngành đang được các bạn chọn nhiều như: Công nghệ thông tin, logistics, thương mại điện tử, công nghệ đổi mới sáng tạo.

Bà Minh Thuỳ cũng dẫn chứng kết quả khảo sát tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa, xu hướng này chiếm 25% tổng số học sinh lớp 12.

Học sinh hào hứng tham gia các hoạt động tại chương trình. Ảnh: Tuệ Nhi

Xu hướng thứ hai, chọn ngành nghề xuất phát từ sự ủng hộ, định hướng của gia đình, đặc biệt là cha mẹ học sinh.

Gia đình có truyền thống làm công an, quân đội, sư phạm, ngành y… thì cha mẹ thường định hướng cho con mình theo ngành nghề của cha, mẹ, người thân hoặc gần đây học chuyên về ngôn ngữ như tiếng Hàn, Nhật… Số này chiếm 50% theo khảo sát của THPT Trần Đại Nghĩa.

Chọn ngành nghề xuất phát từ lợi thế, sở thích bản thân chỉ chiếm 5%.

Nhóm còn lại chọn nghề ngẫu nhiên không có chính kiến riêng, theo bạn bè hoặc hoàn cảnh gia đình, chiếm 10%. Một số khác không tiếp tục học tập, định hướng tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Từ những số liệu thực tế trên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa Lê Thị Minh Thùy nhận định, học sinh hiện nay thiếu định hướng nghề trong xã hội, học sinh chủ yếu chọn ngành nghề còn mang tính chủ quan của bản thân và gia đình; dựa vào bảng ngành nghề theo khối thi, nên chưa có đủ cơ sở thông tin nghề nghiệp để các em có những quyết định đúng đắn trong vấn đề chọn nghề nghiệp.

 Các chuyên gia tư vấn chọn ngành, chọn nghề cho học sinh. Ảnh: Tuệ Nhi

ThS Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho biết, bản thân ông đã gặp rất nhiều bạn học sinh sau khi vào đại học mới nhận ra bản thân mình đã chọn sai ngành nghề.

Việc chọn nghề không đúng với sở trường cá nhân, sẽ làm việc kém hiệu quả, gây mất nhiều thời gian và công sức.

“Các em học sinh phổ thông, đặc biệt học sinh lớp 12, khi chọn ngành nghề cho tương lai, cần tìm hiểu thông tin, cân nhắc kĩ càng và lựa chọn cho mình một ngành học yêu thích nhất. Chọn ngành nghề cho mình, vì tương lai của chính mình chứ không vì bất kỳ ai” – ThS Trịnh Hữu Chung nhấn mạnh.

Chọn nghề vì tương lai của chính mình

Tại buổi tư vấn, ông Nguyễn Quốc Cường - Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh - cho biết, hiện nay nhiều trang mạng xã hội hướng các em học sinh không cần học đại học vẫn có việc làm và lập nghiệp thành công là nguồn thông tin chưa đầy đủ, khá chủ quan, vì mỗi ngành nghề cần phải có tố chất, đòi hỏi về khả năng chuyên môn khác nhau.

Học sinh tìm hiểu thông tin từ các chuyên gia. Ảnh: Tuệ Nhi

Ông dẫn chứng, đối với một số ngành nghề đặc thù như: Luật sư, bác sĩ… bắt buộc phải tốt nghiệp đại học, vì đó là yêu cầu của công việc. Tuy nhiên, vẫn có những ngành nghề không nhất thiết phải học đại học mà có thể học nghề, ông Cường nói.

Đứng dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Phước Huy – Phó Giám đốc Ngân hàng Nam Á (Chi nhánh Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) - chia sẻ, các nhà tuyển dụng đánh giá rất cao những ứng viên có suy nghĩ chín chắn, xác định được mục tiêu nghề nghiệp từ sớm, có sự chuẩn bị để hoàn thiện bộ kỹ năng từ sớm.

Chuyên gia xuống tận nơi tư vấn cho học sinh. Ảnh: Tuệ Nhi

Còn ThS Lê Thị Minh Hoa – Chuyên gia tâm lí - khuyên rằng, để chọn nghề một cách chính xác thì học sinh phải hiểu rõ bản thân của mình trước.

Mỗi một ngành nghề sẽ có những đặc điểm, yêu cầu và tố chất khác nhau, trong đó, tính cách của bản thân rất quan trọng để xác định có phù hợp với nghề hay không. Từ việc xác định rõ bản thân, học sinh có kế hoạch rèn luyện, chọn lựa ngành nghề phù hợp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn