MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Học sinh tham gia dự án để lấy điểm kiểm tra học kỳ

HOÀI ANH LDO | 27/12/2022 09:01

Thay vì ra đề kiểm tra trên giấy theo cách thông thường, nhiều trường cho học sinh triển khai dự án để được thoả sức sáng tạo, trau dồi thêm nhiều kỹ năng mềm.

"Nhồi nhét" đề cương thi học kỳ

2h sáng, Gia Hân - học sinh lớp 10 tại Hà Nội vẫn cặm cụi bên chồng đề cương ôn tập học kì 1. Với lịch kiểm tra dày đặc: Thứ 4 - Văn, Sử, Địa, Thứ 5 - Toán, Thứ 6 - Tiếng Anh, nữ sinh buộc phải rút ngắn thời gian ngủ để "cày" đề cương. 

"Chỉ tính riêng 2 môn Sử, Địa, em phải học thuộc lòng 12 trang đề cương mới có thể đạt được điểm khá giỏi", Gia Hân nói.

Trong khi đó, Đức Bảo - học sinh lớp 7 tại Hải Dương đang phải "chật vật" với những câu hỏi trắc nghiệm môn Tin học. Đức Bảo được tiếp xúc với máy tính từ bé và có niềm đam mê với công nghệ thông tin, thế nhưng, 50 câu hỏi đề cương ôn tập môn Tin học vẫn là thách thức lớn đối với chàng trai. 

"Em có thể dễ dàng hoàn thành các bài tập trên máy tính. Thế nhưng khi phải ngồi "học chay" lý thuyết của môn học này, em cảm thấy rất khó khăn", nam sinh chia sẻ. 

Còn với Bảo Anh - học sinh lớp 5 tại Hà Nam, thời gian gần đây, tối nào em cũng cùng mẹ ngồi học thuộc lòng bài tập làm văn đã viết sẵn. Sau khi cô giáo gợi ý với cả lớp sẽ ra một trong những đề về tập làm văn tả một địa danh mà em từng đến/ tả một người bạn mà em yêu quý,... Bảo Anh đã viết sẵn bài, nhờ mẹ sửa và ngồi học thuộc lòng.

Đa dạng hoá phương thức kiểm tra

Bên cạnh việc ra đề kiểm tra theo cách "truyền thống", nhiều trường cũng bắt đầu đa dạng hoá phương thức kiểm tra, đánh giá, giúp học sinh trau dồi thêm nhiều kỹ năng, giảm bớt áp lực. Đây cũng là nội dung của Thông tư số 26 do Bộ GDĐT ban hành về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT.

Theo đó, kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua hỏi - đáp, viết ngắn, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập gắn với chủ đề dạy học cụ thể.

This browser does not support the video element.

Buổi showcase của học sinh khối 5 để lấy điểm kiểm tra học kỳ. Video: Hoài Anh

Kỳ học này, với hai môn tiếng Việt và Tin học, thay vì phải làm bài kiểm tra trên giấy, Nguyễn Đặng Đức An - học sinh lớp 5H1, Trường phổ thông liên cấp Olympia được tham gia dự án liên môn về chủ đề “Nếp nhà xưa và nay” để lấy điểm học kỳ.

Ngoài thuyết trình trên lớp, Đức An còn giới thiệu trò chơi Hành trình về nhà do chính em lên kịch bản, dàn dựng và lập trình, dưới sự hỗ trợ của 2 cô giáo bộ môn. Trong trò chơi này, em đưa ra những câu hỏi liên quan đến văn hoá dân gian để người chơi trả lời. Như vậy, em có thể vận dụng kiến thức của cả 2 môn tiếng Việt và Tin học. 

“Em hy vọng những môn học khác cũng sẽ có cách kiểm tra mới lạ như thế này để em được thoả sức sáng tạo”, nam sinh nói. 

Các học sinh tại buổi tổng kết dự án lịch sử tìm hiểu về ASEAN diễn ra sáng 15.11. Ảnh: Be ASEAN Citizens 

Tháng 11 vừa qua, 11 trường tại TPHCM cũng tổ chức cho học sinh tham gia dự án tìm hiểu về ASEAN để lấy điểm giữa kỳ môn Lịch sử. Dự án bao gồm nhiều hoạt động như cuộc thi hùng biện, thiết kế infographic, trình diễn thời trang, quay video,... về lịch sử, văn hóa của 11 nước Đông Nam Á.

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du - tổ trưởng bộ môn lịch sử, trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: "Nếu làm bài kiểm tra các học sinh chỉ được rèn luyện một kỹ năng duy nhất là ghi nhớ. Trong khi đó, việc tham gia dự án giúp các em có thêm nhiều kỹ năng".

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Huệ - giáo viên tiếng Việt Trường phổ thông liên cấp Olympia cho biết việc triển khai dự án khiến giáo viên “lao tâm khổ tứ” hơn rất nhiều so với việc ra một đề kiểm tra trên giấy thông thường. “Thế nhưng, kết quả mà dự án mang lại cũng rất tuyệt vời”, cô Huệ cho biết dự án giúp học sinh vừa có chiều sâu về mặt kiến thức, rèn luyện kỹ năng tư mạch lạc, kỹ năng làm việc nhóm, tổ chức dự án,... 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn