MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh đạt giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia học sinh trung học. Ảnh: MOET

Học sinh thi khoa học kỹ thuật: "Hãy lắng nghe ý kiến của chúng em"

Thiều Trang - Bích Hà LDO | 31/03/2021 14:40

Trước nhiều sóng gió dư luận về chất lượng cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh, "người trong cuộc" - chủ nhân của đề tài đạt giải Nhất cuộc thi khẳng định, cuộc thi là sân chơi rất bổ ích cho học sinh.

Trải qua 9 mùa tổ chức, cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia đã có hàng nghìn học sinh đạt giải. Đặc biệt, đoàn học sinh Việt Nam dự thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc tế qua các năm đều đạt thành tích cao.

Tuy nhiên, những ngày qua, cuộc thi đã khiến dư luận bàn tán "nảy lửa" về chất lượng các dự án nghiên cứu, đặc biệt nhiều người đã đưa ra đề xuất nên bỏ cuộc thi này.

Vậy "người trong cuộc" - các em học sinh trực tiếp tham gia cuộc thi có quan điểm như thế nào?

"Cuộc thi là tiền đề giúp em theo đuổi giấc mơ"

Nhận được câu hỏi về cảm xúc sau chặng đường tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật, Mai Thùy Anh - tác giả dự án “Cải tiến peptit polybia-mpl để ứng dụng trong điều trị ung thư” giành giải Nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021 - cười và đáp: "Em cảm thấy mình tự tin hơn và học hỏi được rất nhiều điều".

Thùy Anh cho biết, hành trình chinh phục cuộc thi đã mang đến cho em rất nhiều lợi ích, là tiền đề để em theo đuổi những ngành nghề mà mình mong muốn trong tương lai.

"Trong quá trình thực hiện dự án, em có cơ hội thực hành trong phòng thí nghiệm cũng như tiếp xúc với nhiều thiết bị hiện đại.

Quá trình nghiên cứu còn giúp em tự tin thuyết trình ý tưởng trước đám đông và hiểu thêm về lợi ích của các bộ môn khoa học trong việc phát triển kinh tế, xã hội. Em nghĩ điều nay sẽ giúp ích rất nhiều trong việc học của em sau này" - Thùy Anh chia sẻ.

"Em hy vọng cuộc thi sẽ phát triển hơn nữa"

Hiện đang có 2 cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp toàn quốc dành cho học sinh phổ thông là cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp thực hiện. Thứ hai là cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ GDĐT tổ chức.

Trong đó, cuộc thi thứ nhất đã trải qua 16 lần tổ chức và đang khởi động chương trình năm thứ 17. Còn cuộc thi khoa học, kỹ thuật do Bộ GDĐT tổ chức cũng trải qua 9 mùa. Cả hai cuộc thi đều hướng đến mục đích là khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, nâng cao khả năng tự học, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống đang đặt ra. Hay nói cách khác là “học đi đôi với hành”.

Thông qua các cuộc thi khoa học kỹ thuật ở các cấp, nhiều câu lạc bộ STEM đã hình thành trong các trường phổ thông. Ở đó, học sinh được khuyến khích đưa ra ý tưởng.

Trước những ý kiến cho rằng có tình trạng học sinh tham gia cuộc thi chỉ là "ghi danh", còn ý tưởng, việc nghiên cứu do giáo viên, người lớn thực hiện, với tư cách là người tham gia cuộc thi, Mai Thùy Anh cho rằng, ở cấp THPT, việc nhận được sự giúp đỡ của các thầy cô giáo là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, để đạt được thành công thì học sinh đã phải nỗ lực rất nhiều. Vì vậy, em cho rằng không nên bỏ cuộc thi mà hãy phát triển nó thành sân chơi bổ ích hơn cho học sinh.

"Cuộc thi khoa học kỹ thuật là một sân chơi rất bổ ích vì nó không chỉ trang bị kiến thức cho học sinh mà còn hỗ trợ cho các nhà khoa học trong rất nhiều lĩnh vực, minh chứng là nhiều dự án hay đã được đưa vào thực tiễn. Cuộc thi cũng là nơi để phát triển nhiều tài năng trong tương lai.

Em hy vọng rằng cuộc thi sẽ phát triển hơn nữa để thu hút các bạn học sinh tham gia tích cực, mang đến nhiều đề tài mới và hay hơn" - Thùy Anh bày tỏ.

Chia sẻ về giải pháp giúp cuộc thi thực chất hơn, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam - cho rằng, giáo viên, nhà trường nên định hướng học sinh chọn những đề tài phù hợp với các em, tránh chọn những đề tài cũ, đề tài quá cao siêu hoặc phi thực tế.

"Ngoài ta, bên cạnh việc thiết lập Hội đồng Khoa học, cần có Hội đồng khảo sát, kiểm tra các đề tài khoa học đảm bảo tính minh bạch. Đặc biệt, ban tổ chức nên công khai danh sách đề tài khoa học trước khi chấm để tất cả mọi người nắm bắt thông tin và có cái nhìn khách quan" - GS Phạm Tất Dong nhấn mạnh.

1030

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn