MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Nguyễn Văn Khải từng lên tiếng đề nghị dừng tổ chức thi học sinh sáng tạo KHKT dành cho học sinh vì không thực chất. Ảnh: VT

Học sinh thi khoa học kỹ thuật: Không mài sắt vẫn nên kim?

QUANG ĐẠI LDO | 12/05/2022 08:46

Việc học sinh phổ thông bất ngờ công bố những dự án "khủng" hoàn toàn xa lạ với môi trường sống, học tập của các em là trái với nguyên lý nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật.

Sau khi dậy sóng với các đề tài tiến sĩ tào lao, dư luận tiếp tục xôn xao về sự bất thường trong các dự án thi khoa học kỹ thuật (KHKT) của học sinh phổ thông.

Trong khi các luận án tiến sĩ, được thực hiện công phu trong thời gian dài và bởi người nghiên cứu chuyên sâu lại có hiện tượng dễ dãi, nông cạn trong đề tài thì các dự án thi KHKT của học sinh lại có hiện tượng hàn lâm, vượt tầm.   

Giới chuyên môn vẫn chưa hết ngạc nhiên về việc không hiểu bằng cách nào mà những học sinh phổ thông, đang vật vã với chương trình gồm mười mấy môn lý thuyết, “chưa quen bệnh viện – đâu biết trường y”, bỗng dưng công bố các dự án chuyên sâu về điều trị ung thư, y, dược. Trong đó, có những đề tài bác sĩ cũng cảm thấy choáng váng vì quá khó.

Cụ thể, dự án "Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây lá khôi (Ardisia gigantifolia)" của 2 học sinh Trường THPT chuyên Thái Nguyên đạt giải nhất quốc gia năm học 2021 - 2022.

Cũng trường này, trong năm học vừa qua đã có dự án “Điều trị béo phì bằng cao chiết xanthone từ vỏ quả măng cụt (Garcinia mangostana L.) trên chuột nhắt trắng (Mus musculus) của 2 học sinh đạt giải nhất quốc gia.

Trước đó, Trường THPT chuyên Thái Nguyên đã có nhiều học sinh đạt giải cao tại các kỳ thi KHKT với các đề tài về y, dược, trong đó có nhiều đề tài chuyên sâu, kỹ thuật cao đòi hỏi các thí nghiệm phức tạp và tốn kém.

Năm học 2019-2020, dự án “Nghiên cứu quy trình phát hiện đa hình gien CYP4F2*3 ở bệnh nhân tim mạch sử dụng thuốc chống đông ACENOCUMAROL” do hai học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Thái Nguyên đạt giải Nhì quốc gia.

Năm học 2018 - 2019, dự án “Nghiên cứu tách chiết và đánh giá hoạt tính kháng nấm, kháng khuẩn của hoạt chất chống ung thư Prodigiosin tách chiết từ vi khuẩn Serratia Marcecens” của hai học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Thái Nguyên đạt giải Khuyến khích cấp tỉnh.

Những hiện tượng nói trên là bất thường, trái với nguyên lý hoạt động khoa học. Những người làm khoa học xưa nay đều hiểu nghiên cứu - sáng tạo chỉ gắn với chuyên môn, chuyên ngành.

Nguyên tắc nói trên được Bộ GDĐT thể hiện nhất quán trong các quy chế đào tạo sau đại học hàng chục năm qua. Theo đó, quy chế tuyển sinh thạc sĩ và tiến sĩ đều quy định ngành đào tạo phù hợp với chuyên ngành đào tạo đại học (đối với tuyển sinh thạc sĩ), hoặc phù hợp với chuyên ngành đào tạo thạc sĩ (đối với nghiên cứu sinh).

Quy chế hiện hành không chấp nhận đào tạo, cấp bằng sau đại học cho các trường hợp thay đổi chuyên ngành đào tạo đại học. Đây cũng là thông lệ của khoa học quốc tế.

Tuy nhiên, nguyên tắc nói trên đã không tồn tại trong “Quy chế thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh phổ thông”. Thông tư số 32/2017 ngày 19.12.2017 của Bộ GDĐT ban hành danh mục các lĩnh vực nghiên cứu của cuộc thi KHKT dành cho học sinh nêu 22 lĩnh vực nghiên cứu, tất cả đều vượt quá chương trình giáo dục phổ thông.

Trong đó, có rất nhiều lĩnh vực chuyên sâu quá khó ngay cả đối với giới chuyên môn như: Sinh lý tế bào; Gen; Miễn dịch; Sinh học phân tử; Sinh học thần kinh; Kỹ thuật hàng không và vũ trụ, Khám bệnh và chẩn đoán; Phòng bệnh; Điều trị; Kiểm định thuốc; Nghiên cứu tiền lâm sàng;...

Quy chế chỉ công nhận kết quả nghiên cứu, sáng tạo trong vòng 1 năm. Thực tế trong thời gian đó, học sinh vẫn phải học tập bình thường, chỉ được nghỉ vào 2 tháng hè.  

Cho dù học sinh nghỉ học tất cả các môn văn hóa trong vòng 1 năm để tập trung làm dự án thi KHKT cũng khó đem lại kết quả, vì các em chưa có kiến thức nền về các ngành chuyên sâu.

Trong khi đào tạo thạc sĩ phải trải qua ít nhất 2 năm liên tục đối với người đã tốt nghiệp đại học, trình độ thạc sĩ cũng chỉ ở mức làm quen với nghiên cứu khoa học. Đào tạo tiến sĩ trong khoảng 3 năm liên tục, người được cấp bằng cũng mới bước chân vào nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp.

Như vậy trong cuộc thi KHKT, có chuyện “không mài sắt vẫn... nên kim”? Đây là hiện tượng bất thường, chưa thấy trong lịch sử khoa học. Ngay cả đối với các trí tuệ thiên tài của nhân loại cũng phải trưởng thành từ miệt mài học tập, rèn luyện, thực hành trong môi trường chuyên môn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết “Gian nan rèn luyện mới thành công”. Không có ai sau một đêm ngủ dậy bỗng trở thành nhà khoa học – sáng chế.

Đối với hiện tượng bất thường nói trên, cần xem xét kỹ lưỡng bởi chỉ có 2 khả năng xảy ra, hoặc là các thiên tài hoặc tiêu cực. Đối với trường hợp tiêu cực, học sinh chỉ đóng vai trò người thuyết minh, đứng tên thay các sản phẩm của chuyên gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn