MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Học sinh vẫn phải gánh “combo” khi mua sách giáo khoa

TƯỜNG VÂN LDO | 18/06/2022 11:30

Tình trạng các cơ sở giáo dục bán sách giáo khoa theo kiểu “bia kèm lạc” diễn ra phổ biến tại nhiều tỉnh thành trong những năm qua. Với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, việc phải gánh cả “combo” sách tham khảo, sách bổ trợ lên đến gần 1 triệu đồng là một gánh nặng.

Vẫn còn  bán sách giáo khoa theo kiểu “bia kèm lạc”

Theo bảng niêm yết giá sách giáo khoa lớp 6 của năm học 2021-2022 thì sách lớp 6 bộ Chân trời sáng tạo có giá 179.000 đồng; bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống có giá 186.000 đồng; bộ sách Cánh Diều có 234.000 đồng (chưa bao gồm sách Tiếng Anh).

Thế nhưng, trên website Trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) thông báo giá bộ sách giáo khoa lớp 6 cho năm học 2021-2022 có giá lên tới 638.000 đồng (trong đó 30.000 đồng chuyển phát nhanh).

Trong thông báo không hề ghi rõ danh mục sách, cũng như đâu là sách giáo khoa, phụ huynh bắt buộc phải mua, đâu là sách bổ trợ, tham khảo. 

Phụ huynh phải gánh “combo” sách giáo khoa cùng rất nhiều loại sách bài tập, sách bổ trợ, thiết bị học tập... là thực trạng diễn ra phổ biến không chỉ ở Hà Nội mà còn ở rất nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước trong nhiều năm qua khiến dư luận bức xúc.

Trước sức nóng của dư luận về tình trạng này, ngày 12.6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phát đi Chỉ thị số 643/CT- BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong chỉ thị là yêu  cầu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.

Tuy nhiên, 31.5 là thời điểm kết thúc năm học theo đúng chương trình năm học, ngay từ tháng 4, các trường học đã triển khai phát hành sách giáo khoa cho năm học sau và yêu cầu phụ huynh học sinh đăng ký mua. Và phụ huynh vẫn phải mua sách theo kiểu “bia kèm lạc” với số tiền bị đội lên gấp nhiều lần.

Chẳng hạn, một bộ SGK lớp 4 (gồm 7 cuốn) có giá niêm yết là 87.000 đồng. Trong khi đó, theo danh mục sách lớp 4 Trường Tiểu học Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội) công bố tới phụ huynh bao gồm 27 đầu mục sách, bao gồm cả sách bổ trợ, sách tham khảo, thiết bị, đồ dùng học tập với mức giá lên tới 664.200 đồng.

Thông báo của nhà trường nêu rõ: “PHHS đồng ý mua sách giáo khoa và các sản phẩm giáo dục phục vụ năm học 2022-2023 cho con đăng ký với giáo viên chủ nhiệm trước ngày 15.5.2022 (sách đã đăng ký không được trả lại).

Cần có hướng dẫn cụ thể

Chị Lê Quỳnh Liên - phụ huynh có con học lớp 2 tại huyện Đông Anh, Hà Nội nhận định, rất khó để rành mạch, quản lý việc đăng ký, mua bán sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục.

Lý giải nhận định này, chị Liên nói, khi nhà trường kê ra danh mục SGK thì 100% phụ huynh đều đăng ký mua tại trường bởi hiện nay, có rất nhiều loại sách giáo khoa, nhà trường lại chọn theo môn học nên dẫn đến tình trạng phụ huynh rất khó tìm mua bên ngoài, hoặc hiệu sách không bán lẻ loại sách cần mua. 

Chưa kể, nhiều năm nay, không ít giáo viên yêu cầu học sinh làm bài tập các môn trực tiếp trong sách bài tập trong khi đây là danh mục không bắt buộc phải mua. 

“Điều tôi quan ngại hơn cả là việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa như hiện nay đang dẫn đến tình trạng lãng phí và thiếu tính ổn định của mỗi bộ sách” - chị Liên than thở.

Là phụ huynh có hai con trong độ tuổi đến trường, anh Nghiêm Ngọc Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) không khỏi bức xúc khi cứ mỗi đầu năm học, gia đình phải chi tiền triệu cho “combo” sách mà có nhiều cuốn cất trên kệ tủ, cả năm con không dùng đến. Do đó, anh hoàn toàn ủng hộ việc Bộ GDĐT cấm cán bộ, giáo viên ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới mọi hình thức. 

“Trước hết, tôi rất hoan nghênh sự tiếp thu của Bộ GDĐT, điều này thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm. Nhưng tôi cho rằng, bộ nên có hướng dẫn cụ thể hơn về việc cấm bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo thế nào để các địa phương có thể thực thi được chứ không phải chỉ nêu ra và để đó. Đặc biệt cần có cơ chế giám sát, chế tài cụ thể, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm” - anh Minh nêu quan điểm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn