MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thay mặt ngành Giáo dục tiếp nhận sự hỗ trợ cho học sinh trong chương trình "Sóng và máy tính cho em".

Hơn 1 triệu máy tính trao tặng học sinh khó khăn

Tường Vân LDO | 13/09/2021 16:00
Sau buổi lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, nhiều tổ chức, doanh nghiệp và UBND các tỉnh, thành phố đã trao tặng, ủng hộ hơn 1 triệu máy tính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với trị giá hàng chục nghìn tỉ đồng.

Các doanh nghiệp viễn thông gồm Viettel, VNPT, Mobifone cũng cam kết phủ sóng 100% các vùng lõm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg trong tháng 9.2021 và trên toàn quốc trong năm 2021; tổng kinh phí triển khai lên tới gần 3.000 tỉ đồng.

Ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Bộ Thông tin và Truyền thông trao 400.000 máy tính tương đương 1.000 tỉ đồng; ngành Giáo dục Việt Nam trao 200.000 máy tính trị giá 500 tỉ đồng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao 100.000 máy tương đương 250 tỉ đồng; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trao 100.000 máy tính trị giá 250 tỉ đồng do các tập đoàn, tổng công ty đóng góp.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ủng hộ 24.000 máy tính, tương đương 60 tỉ đồng; Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam ủng hộ 10.000 máy tính; UBND TPHCM ủng hộ 100.000 máy tính; UBND tỉnh Thái Nguyên ủng hộ 20.000 máy tính; Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) ủng hộ 37.000 máy tính, UNICEF tại Việt Nam ủng hộ 1.500 máy…

Ngoài ra, theo kế hoạch phối hợp giữa Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Giáo dục và Đào tạo, 100% cước phí sẽ được miễn khi học sinh, sinh viên sử dụng một số nền tảng dạy học trực tuyến, đồng thời miễn phí một số phần mềm dạy học trực tuyến.

Năm 2021, tất cả địa phương có học sinh học tập trực tuyến cũng sẽ được phủ sóng Internet di động; miễn phí 4Gb/ngày cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khi được tặng máy tính trong thời gian 3 tháng để học tập trực tuyến; hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến bao gồm: Máy chủ, chỗ đặt máy chủ, đường truyền Internet bảo đảm việc dạy, học trực tuyến. Kinh phí dự kiến 645 tỉ đồng (thời gian trong 3 tháng).

Trao đổi về vấn đề tình trạng mạng còn chập chờn sau tuần đầu dạy học trực tuyến, đại diện VNPT cho biết, đã chủ động mở rộng dung lượng, tối ưu các hướng truy cập, ưu tiên kết nối để đảm bảo lưu thoát lưu lượng với các nhà cung cấp dịch vụ học trực tuyến (Microsoft Team, Google Meet, Zoom ...).

Song song với đó, đơn vị đang tiến hành đấu nối ứng cứu khẩn đến các hướng nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến và tiếp tục lên kế hoạch đấu nối tăng cường mở rộng cáp biển từ nay đến cuối năm 2021 để đảm bảo phục vụ nhu cầu học và làm việc online của khách hàng trong thời gian này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn