MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại điểm thi trường Lương Thế Vinh (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Hải Nguyễn

Hơn 1 triệu sĩ tử bắt đầu dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Nhóm PV LDO | 27/06/2024 06:27

Hôm nay, 27.6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước bắt đầu làm bài thi môn Ngữ văn - môn đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Hồi hộp làm bài thi môn Ngữ văn

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, cấu trúc đề thi môn Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 không có nhiều thay đổi so với năm trước. Thời gian làm bài là 120 phút với các phần: Đọc hiểu, Nghị luận xã hội và Nghị luận Văn học.

Minh Di - học sinh lớp 12 tại quận 10, TPHCM - bắt đầu làm bài dự thi đầu tiên với tâm trạng hồi hộp và có chút căng thẳng. Trước đó, em đã tham gia 2 đợt thi đánh giá năng lực với hy vọng có kết quả tốt, trúng tuyển sớm để giảm áp lực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thế nhưng, kết quả không được như ý.

Theo nam sinh, để chuẩn bị cho kỳ thi năm nay, ngoài việc học trên lớp, từ đầu năm lớp 11 em đã tham gia học ôn ở trung tâm bên ngoài với 6 buổi/tuần và tăng lên hơn 10 buổi/tuần từ học kỳ II lớp 12. Đồng thời, em cũng tham gia học Tiếng Anh, hiện có IELTS 7.0.

Cũng như Minh Di, Khánh Vân - học sinh lớp 12 tại quận Tân Phú - cảm thấy khá lo lắng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Khánh Vân có nguyện vọng xét tuyển vào ngành Y khoa của Trường Đại học Y Dược TPHCM hoặc Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

"Trước ngày thi, em không học ở trường và trung tâm nữa, nên em đang cố điều chỉnh đi ngủ sớm hơn vì muốn giữ tâm lý, tinh thần tốt" - Khánh Vân nói.

Em Vũ Minh Uyên - học sinh Trường Liên cấp Newton (Hà Nội) cũng đã có khoảng thời gian ôn tập dài hơi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Riêng đối với môn Ngữ văn, nữ sinh bày tỏ mong muốn, đề thi sẽ có sự đổi mới, sáng tạo.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Vân Trang

Tăng cường kiểm tra, phòng ngừa gian lận công nghệ cao

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra trong 2 ngày 27, 28.6. Kết quả thi sẽ phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, làm cơ sở để xét tuyển đại học, cao đẳng và đánh giá chất lượng công tác quản lý, công tác dạy và học tại các cơ sở giáo dục.

Với tính chất quan trọng, phức tạp và nhạy cảm, kỳ thi luôn nhận được sự quan tâm lớn của xã hội, đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay thì không thể tránh khỏi việc xuất hiện ngày càng nhiều các thiết bị tinh vi - không chỉ phục vụ cho gian lận thi cử mà còn cho nhiều hoạt động khác.

Chính vì vậy, việc phòng chống gian lận thi tốt nghiệp THPT bằng thiết bị công nghệ cao là vấn đề được Bộ GDĐT đặc biệt quan tâm.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ GDĐT đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an tập huấn cho tất cả các cán bộ làm thi. Tiếp đó, Công an các tỉnh/thành phố tiếp tục tập huấn về nhận diện các thiết bị công nghệ cao và nguy cơ thí sinh có thể sử dụng cho đội ngũ cán bộ giáo viên làm công tác thi tại các địa phương.

Hiện nay, Bộ Công an và Công an 63 tỉnh/thành phố đang phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để làm tốt công tác phòng, chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Với 1 kỳ thi mang tính chất toàn quốc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng 1 lần nữa nhắc lại tinh thần “4 đúng - 3 không” đã được quán triệt từ kỳ thi năm 2023 và tiếp tục lưu ý thực hiện trong kỳ thi năm nay.

“4 đúng” là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường. “3 không” là: Không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường.

"Nhiệm vụ tạo ra một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, thân thiện và nhân văn đang được đặt lên vai các thầy cô, mong rằng các thầy cô sẽ làm tốt nhất nhiệm vụ này" - Thứ trưởng nhắn nhủ.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có 1.071.393 thí sinh đăng ký, tăng hơn 45.000 so với năm 2023. Trong đó, thí sinh tự do có 46.978, chiếm 4,38%. Toàn quốc bố trí 2.323 điểm thi, tăng 51 điểm so với năm ngoái. Hà Nội tiếp tục là địa phương có số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đông nhất với 109.078 thí sinh. 4 vị trí tiếp theo là TPHCM (90.062), Thanh Hóa (38.775), Nghệ An (37.044 ) và Đồng Nai (34.088).

Hỗ trợ 1 triệu đồng/suất cho học sinh người đồng bào dân tộc

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hội đồng thi Đà Nẵng gồm 28 điểm thi chính thức và 1 điểm thi dự phòng. Toàn thành phố có 13.560 thí sinh đăng ký dự thi.

Ngày 26.6, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng kiểm tra các thiết bị liên quan đến công tác bảo mật, giám sát của kỳ thi như camera ghi hình bảo quản đề thi, bài thi, tủ đựng bài thi của phòng để lưu giữ bài thi. Trong đó đặc biệt lưu ý các trưởng, phó trưởng điểm thi kiểm tra, nhắc nhở thí sinh không mang các thiết bị điện tử, điện thoại… vào khu vực thi để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế thi. Đồng thời cũng yêu cầu các phòng thi phải đảm bảo đủ ánh sáng, quạt mát…và công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trước các điểm thi.

Trong sáng ngày 26.6, Thành Đoàn - Hội Sinh viên TP Đà Nẵng động viên 7 thí sinh là người đồng bào Cơ Tu đang ở khu nội trú tại Trường THPT Phạm Phú Thứ (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Mỗi thí sinh được hỗ trợ 1 triệu đồng/ suất.

Mỹ Linh

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn