MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Phạm Mạnh Hà - chuyên gia giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hợp thức hóa dạy thêm giúp giáo viên nâng cao chuyên môn, tăng thu nhập

Trang Hà LDO | 29/11/2023 06:04

Đề xuất đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện đang là điểm nóng trong dư luận. Xoay quanh vấn đề này, PGS.TS Phạm Mạnh Hà - chuyên gia giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội đã có cuộc trò chuyện cùng Lao Động.

Hiện nhiều ý kiến đồng tình với phương án đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quan điểm của ông về vấn đề này?

- Với quan điểm cá nhân - người đã có nghiên cứu về hệ thống giáo dục Việt Nam, tôi cho rằng đây là một quyết định quan trọng và phù hợp. Phù hợp với thực tiễn xã hội, với công tác quản lý Nhà nước, với hoạt động mà chúng ta tạm gọi là nhạy cảm, đó là học thêm.

Phân tích sâu, nếu dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ mang lại lợi ích như thế nào?

- Chúng ta xác định rằng học thêm là nhu cầu có thật. Việc dạy thêm chính là quyền lợi, là phương thức để giáo viên phát huy chuyên môn nghiệp vụ của mình cũng như có thêm thu nhập chính đáng.

Tuy nhiên, việc không có hành lang pháp lý rõ ràng, đầy đủ dẫn đến dạy thêm học thêm hiện nay vừa công khai, vừa bí mật. Điều này khiến chính giáo viên cũng không yên tâm trong công việc của mình. Đôi khi, bị dư luận xã hội quy chụp việc dạy thêm là trục lợi, không tốt, ảnh hưởng đến chất lượng và gây áp lực cho người dạy, người học.

Việc đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là bài toán giúp kiểm soát việc giáo viên dạy thêm, đảm bảo về mặt pháp lý, đạo đức, sự phát triển về mặt chuyên môn cũng như tạo ra thu nhập.

Đề xuất này đã xuất hiện từ nhiều năm nay, theo chuyên gia tại sao đến thời điểm này vẫn chưa thể hợp thức hóa dạy thêm?

- Mỗi người, mỗi vị trí có cách nhìn và quan điểm khác nhau. Một bộ phận giáo viên trục lợi, ép buộc học sinh phải theo lớp học thêm khiến dư luận dần khắt khe với câu chuyện dạy thêm.

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng đây là ngành nghề cao quý. Việc cho vào ngành kinh doanh có điều kiện sẽ hạ thấp vị thế của người giáo viên. Theo tôi, có nhiều quan điểm khác nhau khiến nội dung đưa ra chưa được đầy đủ và bao quát. Từ đó, gây nên sự bất an cho những người trong cuộc, người làm công tác quản lý. Cũng từ đó tạo ra sự tranh luận và chưa có kết luận.

Vậy nếu chúng ta coi việc dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì cần đặt ra những điều kiện như thế nào để có thể quản lý tốt hoạt động này?

- Chúng ta phải xác định rõ khái niệm về việc học thêm, vì học thêm sẽ có nhiều ý nghĩa khác nhau. Nếu học thêm để bù đắp kiến thức đang bị thiếu hụt thì việc đến một trung tâm, hoặc đến với cá nhân đáp ứng được dịch vụ đó là việc rất bình thường.

Bên cạnh đó, nếu học thêm để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như gia tăng hiểu biết để có thể đáp ứng được yêu cầu thi cử cũng là nhu cầu rất chính đáng.

Cho nên, việc chúng ta mở những đơn vị có thể cung cấp dịch vụ ôn luyện, củng cố kiến thức là việc rất đáng hoan nghênh và chúng ta sẽ kiểm soát được nội dung chương trình cũng như người dạy ở đó.

Mặt khác, khi chúng ta đã có những đơn vị kinh doanh có điều kiện để tổ chức việc ôn luyện, củng cố kiến thức học tập cho học sinh, thì những người tham gia phải có đăng ký.

Đặc biệt, cần tuân thủ nguyên tắc là giáo viên không được dạy chính học sinh của mình ở trường. Như vậy sẽ tránh được tất cả những trường hợp giáo viên tìm cách yêu cầu học sinh của mình phải tham gia lớp học thêm do mình tổ chức.

Các thầy cô có thể đi dạy thêm, nhưng phải đăng ký với đơn vị, trung tâm hoặc với tổ chức nào đó và tổ chức đó phải cam kết rằng không có học sinh của trường mà thầy cô dạy để tham gia vào việc học.

Chúng ta cũng phải xác định rất rõ thời gian mà giáo viên được tham gia hoạt động này như thế nào? Ví dụ như, đã là viên chức thì trong giờ làm việc, hay trong giờ hành chính không được phép tham gia các hoạt động dạy thêm, chỉ có thể được phép làm việc ngoài giờ, tức ngoài giờ lên lớp.

Như vậy, nếu có nhu cầu, giáo viên sẽ tham gia đăng ký. Việc thầy cô sắp xếp thời gian, dành thời gian ngoài giờ để tham gia nâng cao chuyên môn, cũng như tăng thu nhập của mình là điều tích cực.

Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn