MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đề xuất đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Hợp thức hóa việc dạy thêm, tăng thu nhập cho giáo viên

Hồng Nhung LDO | 24/11/2023 06:10

Giáo viên, phụ huynh ủng hộ đề nghị đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện vì nhiều lý do.

Có cầu ắt có cung

Là phụ huynh có con em đang theo học lớp 6 tại một trường THCS trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Thắm cho con đi học thêm từ khi còn học tiểu học. Lý do là gia đình mong muốn cho con thi vào các trường trọng điểm, trường chuyên trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Theo quan điểm của chị Thắm, nếu chỉ cho con học tại trường và ôn luyện ở nhà, rất ít cơ hội tiếp xúc với các bài tập nâng cao. Bởi vậy, để con mình tiếp thu được kiến thức một cách trọn vẹn nhất, chị Thắm luôn ưu tiên lựa chọn cho con theo các lớp học thêm.

Cũng vì điều này, chị Thắm mong muốn hợp thức hóa việc dạy thêm. Khi đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các lớp học mở ra sẽ chất lượng hơn.

“Hiện có nhiều trung tâm, lớp dạy thêm, có nơi được cấp phép, nhưng cũng có nơi chưa được thông qua các chương trình học. Chính vì vậy, khi giáo viên được cấp phép dạy thêm, các lớp học sẽ chất lượng, chương trình đảm bảo hơn” - chị Thắm chia sẻ.

Đồng quan điểm, anh Quốc Bảo - phụ huynh học sinh bậc THPT tại quận Đống Đa (Hà Nội) - cho biết, chuyện học thêm của con cái là điều rất quan trọng, có cầu ắt có cung. Hiện nay, ngoài học trên lớp, mỗi gia đình cũng thường đưa con đến các trung tâm, lớp học thêm bên ngoài để bồi dưỡng, ôn luyện cho con. Vì vậy, anh Bảo ủng hộ việc hợp thức hóa dạy thêm để con được tham gia các lớp học chất lượng.

Nên hợp thức hóa việc dạy thêm

Mới đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) đã đề nghị đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này nhận được sự đồng tình của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Nhận được thông tin này, nhiều giáo viên bày tỏ sự đồng tình và mong rằng chính sách sẽ sớm đi vào thực tiễn.

Cô Trần Thị Thơ - giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) - cho rằng, đề xuất này sẽ giúp giáo viên an tâm công tác, không còn định kiến cho rằng giáo viên trên lớp thì hời hợt, dạy tại lớp học thêm mới dạy nâng cao như trước.

Cùng chung quan điểm, thầy Bùi Văn Điều - giáo viên Trường THPT Đống Đa (Hà Nội) - cho hay, đây tin vui đối với giáo viên nói chung. Bởi điều này sẽ giúp tăng thu nhập, giảm bớt gánh nặng kinh tế, tạo động lực và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Giáo dục.

Nhiều thầy cô cũng cho rằng, việc dạy và học thêm xuất phát từ nhu cầu chính đáng từ hai phía không phải điều xấu. Nếu được cấp phép và quản lý chặt chẽ, đây có thể trở thành ngành nghề thu hút trong tương lai.

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, PGS.TS Trần Mạnh Hà - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - ủng hộ đề nghị đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

"Hợp thức hóa việc dạy thêm, chúng ta sẽ có quy định cụ thể, cơ sở pháp lý rõ ràng để dạy thêm đạt hiệu quả cao nhất. Chúng ta cần quản lý về con người, nội dung chương trình, đảm bảo quy hoạch hoạt động dạy thêm về một đơn vị để quản lý.

Lúc bấy giờ, khi giáo viên tham gia dạy thêm sẽ đăng ký thông tin, tuân thủ quy định về bằng cấp, chương trình dạy và có nghĩa vụ đóng thuế. Học sinh cũng cần đăng ký thông tin cụ thể. Như vậy, giáo viên không được dạy thêm chính học sinh nơi mình đang đứng lớp, tránh câu chuyện ép các em học thêm" - PGS.TS Trần Mạnh Hà phân tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn