MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong những ngày gần đây, hàng trăm người dân kéo nhau lên UBND xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) phản đối việc sáp nhập trường (Ảnh: HT)

Huyện Quảng Xương đã chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho việc sáp nhập trường

Hoài Thu LDO | 26/08/2017 08:00

Như thông tin LĐO đã đưa, những ngày gần đây, hàng trăm người dân xã Quảng Phúc (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) đã bỏ việc đồng áng để kéo tới UBND xã phản đối việc sáp nhập trường. Chiều 25.8, UBND huyện Quảng Xương đã có cuộc họp báo lý giải những thắc mắc về vấn đề này.

Những ngày gần đây, tại UBND xã Quảng Phúc, hàng trăm người dân từ người già lẫn trẻ nhỏ tụ tập để phản đối việc sáp nhập trường. Theo phản ánh của người dân, họ không đồng tình với việc sáp nhập Trường THCS Quảng Phúc về  với Trường THCS Quảng Vọng, vì vậy từ tối 21-22.8, bà con nhân dân đã tập trung tại nhà văn hóa thôn để đi "tuần hành" (vào buổi tối), nhưng từ ngày 23 đến nay, người dân lại tập trung tại sân công sở xã gây nên tình trạng hỗn loạn, ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ địa phương.

Ông Trần Thế Lưu - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương, Thanh Hóa tại cuộc họp báo ngày 25.8 (Ảnh: HT)

Tại cuộc họp báo, ông Trần Thế Lưu - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương - cho biết, việc thực hiện sáp nhập Trường THCS Quảng Phúc và Quảng Vọng, huyện đã có kế hoạch từ năm 2016 và bắt đầu triển khai từ 2017, ngoài ra còn một số trường khác đóng trên địa bàn huyện cũng đã thực hiện xong và chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt.

“Hiện nay, huyện đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất trường lớp, như đầu tư xây dựng khu lớp học  2 tầng gồm 10 phòng học (sẽ hoàn thiện trong tháng 10) khang trang nhằm đáp ứng nhu cầu cơ sở vật chất cho học sinh Quảng Phúc.

Sắp tới, huyện còn bêtông hóa con đường giao thông nội đồng (hiện đang là đường đất) trị giá 1,8 tỷ đồng nối thôn Văn Bình, Thanh Minh đi Quảng Vọng, nhằm giúp các học sinh đi lại thuận tiện hơn; hỗ trợ 19 chiếc xe đạp mới cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn để phục vụ cho việc đi lại trong quá trình học tập. Còn việc bà con nhân dân lo sợ về vấn đề an ninh trật tự, chúng tôi hứa sẽ đảm bảo cho các cháu về vấn đề này”, ông Lưu nói.

Hàng trăm người dân từ người già lẫn trẻ nhỏ tụ tập để phản đối việc sáp nhập trường (Ảnh: HT)
Cho đến ngày 25.8, hàng chục phụ huynh cùng các em nhỏ vẫn ngồi trong khuôn viên công sở xã để phản đối việc sáp nhập trường. (Ảnh: HT)

Bà Phạm Thị Hằng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa - cho biết: “Trong những năm qua, lượng lớp ở các trường địa phương giảm đi một cách đáng kể. Điều này, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục, vì vậy để nâng cao chất lượng giáo dục, việc sắp xếp lại từ bộ máy lãnh đạo đến công tác chuyên môn… đến hệ thống xác trường từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, thậm chí cả THPT là cần thiết.

Thực hiện sáp nhập trường lần này, chúng tôi cũng đã hết sức thận trọng, rút kinh nghiệm từ một số địa phương đi trước. Trong thời gian qua, Thanh Hóa đã và đang thực hiện vấn đề này nhưng chưa có một trường hợp nào xảy ra sự việc đáng tiếc như Quảng Phúc”, bà Hằng nói.

Tại cuộc họp, ông Lưu khẳng định, không có việc mâu thuẫn trong công tác phân công cán bộ giáo viên khi sáp nhập để dẫn đến tình trạng này. Bởi, đầu năm 2018 Hiệu trưởng của Trường THCS Quảng Phúc đã đến tuổi nghỉ hưu, còn Phó hiệu trưởng vẫn giữ nguyên chức sang Trường THCS Phúc - Vọng, các thầy cô giáo vẫn dạy học sinh trường mình.

Về chuyện lãng phí cơ sở vật chất thì không có, bởi theo kế hoạch, sau khi sáp nhập Trường THCS Phúc - Vọng, Trường tiểu học Quảng Phúc sẽ tiếp nhận toàn bộ cơ sở vật chất của Trường THCS Quảng Phúc, đồng thời huyện sẽ cho cải tạo, nâng cấp một số hạng mục cho phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu học của các cháu học sinh.

Hiện nay, một số phòng học của trưởng tiểu học đã xuống cấp trầm trọng, nhưng địa phương chưa có kinh phí để cải tạo lại, mà kêu gọi sức dân thì không thể. Nên việc sáp nhập trường vào thời điểm này là hợp lý và cần thiết. Chỉ có điều, các cháu học sinh chịu khó đi xa một chút (xa nhất 3,5km) nhưng để có một môi trường giáo dục tốt hơn.

Như thông tin LĐO đã đưa, năm học 2017-2018, Trường THCS Quảng Phúc có 145 cháu/6 lớp (năm học 2016-2017 chỉ có 5 lớp) với tổng số 12 cán bộ giáo viên. Trường đã đạt chuẩn quốc gia vào cuối 2014. Vì vậy, huyện Quảng Xương lập kế hoạch sáp nhập Trường THCS Quảng Phúc về Trường THCS Quảng Vọng thành Trường THCS Phúc - Vọng.

Mặc dù, UBND huyện và UBND xã đã tổ chức nhiều cuộc họp, thậm chí còn cử cán bộ xuống từng hộ dân để giải thích, tuyên truyền cho bà con, nhưng sự việc vẫn chưa được người dân đồng tình, hưởng ứng.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tạo nên sự thống nhất để triển khai, thực hiện nghị quyết sáp nhập trường. Chỉ đạo địa bàn 2 xã thực hiện tốt công tác chuẩn bị đón khai giảng năm học mới. Đồng thời, lắng nghe để đáp ứng nguyện vọng của bà con nhân dân xã Quảng Phúc để việc sáp nhập trường được thuận lợi và tổ chức khai giảng đúng kế hoạch”, ông Lưu cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn