MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trường tích cực duy trì hình thức dạy học trực tuyến cùng với dạy học trực tiếp để tăng cơ hội học tập của học sinh. Ảnh: Minh Ánh

Kết hợp dạy học trực tuyến và trực tiếp: Tăng cơ hội học tập của học sinh

Thiều Trang - Bích Hà LDO | 15/04/2021 15:58

Việc dạy học trực tuyến được áp dụng ở Việt Nam xuất phát là giải pháp tình thế nhưng với những ưu điểm vượt trội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã biến nó thành giải pháp lâu dài, vừa bổ trợ dạy học trực tiếp, trong trường hợp cụ thể có thể thay thế trực tiếp. Điều này đã thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Giáo dục, đồng thời tạo điều kiện để học sinh được học ở mọi nơi, mọi lúc.

Tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục

Bộ GDĐT vừa chính thức ban hành Thông tư quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.

Theo đó, mục đích của dạy học trực tuyến là hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, giúp các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình giáo dục.

Đón nhận thông tin này, thầy Lê Đình Nam - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Dũng 3 (Bắc Giang) - cho rằng, thông tư mới của Bộ GDĐT về dạy học trực tuyến có ý nghĩa quan trọng, là hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục áp dụng việc triển khai dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp trong mọi điều kiện.

Đồng quan điểm với thầy Nam, cô Nguyễn Thị Kim Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Đông La (Hà Nội) - nhận thấy, dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh học sinh phải nghỉ học để phòng dịch COVID-19, mà đó còn là cơ hội giúp học sinh và giáo viên phát triển kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong điều kiện dạy học bình thường.

Vì vậy, cô Kim Dung cho rằng, việc Bộ GDĐT ban hành thông tư về dạy học trực tuyến có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện chủ động cho các trường có thể kết hợp dạy trực tuyến và trực tiếp, giúp nhà trường nâng cao chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình giáo dục trong mọi điều kiện.

Giúp học sinh học ở mọi nơi, mọi lúc

Sau khi Bộ GDĐT chính thức cho phép dạy học trực tuyến hỗ trợ và thay thế trực tiếp, nhiều giáo viên nói rằng, hoạt động giảng dạy kết hợp 2 hình thức sẽ góp phần mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện để các em được học ở mọi nơi, mọi lúc.

Là trường đi đầu trong việc triển khai dạy học trực tuyến, Trường THPT Yên Dũng 3 (Bắc Giang) đã và đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, ôn tập, luyện thi cho học sinh.

Hiện nay, tổ chuyên môn của nhà trường vẫn ứng dụng hình thức dạy học trực tuyến để trao đổi, triển khai kế hoạch giảng dạy, bồi dưỡng cho học sinh giỏi và hỗ trợ học sinh yếu kém.

"Trong điều kiện ổn định, nhà trường vẫn khuyến khích thầy cô kết hợp hai hình thức này trong công tác ôn tập, giao bài và thu bài tập qua các phần mềm chuyên dụng. Điều này rất có ý nghĩa với học sinh lớp 12, giúp các em có thêm thời gian ôn tập, trao đổi bài với giáo viên mọi lúc, mọi nơi" - hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Cô Nguyễn Nga - giáo viên Trường THPT Đông Sơn (Thanh Hóa) - cũng cho rằng, học sinh cấp 3 nếu được kết hợp học trực tuyến và học trực tiếp thì rất tốt.

Học sinh sẽ tiếp cận với công nghệ tốt hơn, giúp phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và tạo điều kiện để các em hội nhập, thậm chí kết nối kiến thức xuyên quốc gia.

Đẩy mạnh giám sát để đảm bảo khách quan

Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đào tạo đang bắt đầu xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến và trực tiếp song song, đặc biệt ứng dụng hình thức kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến.

Cô Nguyễn Thị Kim Dung cho hay, để phục vụ dạy học kết hợp hiệu quả, hệ thống giáo án phải được giáo viên biên soạn kỹ càng, khối lượng kiến thức cơ bản, phù hợp với từng đối tượng học sinh khi dạy học trực tuyến.

Trong kiểm tra đánh giá, nhà trường sẽ chọn hình thức trắc nghiệm trực tuyến với một số bộ môn ở các bài kiểm tra thường xuyên. Còn một số môn có thể kiểm tra trực tiếp hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo tính chính xác, minh bạch cho kết quả dạy học.

Đặc biệt, theo cô Dung, trong áp dụng hình thức kiểm tra trực tuyến, việc giám sát phải đảm bảo khách quan, công bằng cho học sinh. Theo đó, trước hết phải tuyên truyền giáo dục để học sinh có ý thức tự giác, giáo viên xây dựng đề và thời gian làm bài phù hợp.

Trong quá trình làm bài, giáo viên có thể yêu cầu học sinh bật camera trong điều kiện cho phép hoặc có thể sử dụng một số phần mềm hỗ trợ để giám sát việc làm bài trực tuyến.

Ngoài việc học sinh tự giác, theo cô Dung, nhà trường, giáo viên cũng phải nâng cao trách nhiệm, tăng cường giám sát từ khâu ra đề bài đến lúc kiểm tra đánh giá bằng hình thức trực tuyến, đảm bảo công bằng cho học sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn