MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phan Quốc Dũng - cựu du học sinh tại Đức và Đan Mạch. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khác biệt ngôn ngữ và những cú sốc trong lần đầu du học

HOÀI ANH LDO | 26/01/2023 16:28

Phan Quốc Dũng (sinh năm 1995) - cựu du học sinh tại Đức, Đan Mạch và là tác giả cuốn sách về chủ đề du học “Được rồi, bay thôi” đã chỉ ra những cú sốc mà những người mới đi du học có thể sẽ gặp phải. 

Ngôn ngữ 

Dù tự tin với khả năng tiếng Anh của bản thân, song Dũng vẫn khó có thể giao tiếp trong thời gian đầu du học, thậm chí bị sốc ngay câu chào hỏi đầu tiên. Lần đầu đến Đức, Dũng bất ngờ khi các bạn người Ấn Độ, Nepal, Indonesia, Tây Ban Nha... mỗi bạn có cách phát âm tiếng Anh khác nhau. 

 “Những người nhập cư và bạn bè quốc tế sẽ có cách phát âm mang đặc trưng âm sắc ngôn ngữ của quốc gia họ” – Dũng nói. Cựu du học sinh cho rằng, với những người sở hữu chứng chỉ tiếng Anh với điểm số cao cũng có thể gặp phải cú sốc này.

Lịch trình hàng ngày

Do thay đổi về múi giờ nên nhiều du học sinh phải thay đổi lịch sinh hoạt hàng ngày cũng như phong cách sống để phù hợp với quốc gia mà mình du học. 

Khi còn ở Việt Nam, Dũng dành thời gian trên lớp để nghe bài giảng, về nhà đọc lại các kiến thức mà giảng viên truyền đạt. Thế nhưng khi đi du học, em bất ngờ khi hầu hết thầy cô gửi sách, báo, tài liệu và yêu cầu sinh viên đọc, ghi chú kỹ trước khi đến lớp. 

Việc thay đổi đột ngột này khiến cho lịch trình vài tuần đầu của Dũng bị đảo lộn. “Nếu không quen với việc tự đọc, tự học, bạn rất dễ bị sốc, chán nản” – Dũng chia sẻ. 

Chi phí

Dũng cho biết, nhờ giành học bổng toàn phần Erasmus Mundus do Liên minh châu Âu tài trợ nên gánh nặng về kinh tế được giảm bớt. Tuy nhiên, khi sống tại Đức và Đan Mạch, Dũng vẫn phải lên một kế hoạch chi tiêu hợp lý để không “tiêu tiền quá tay”. Em phân định rõ các khoản chi phí dành cho ăn uống, du lịch...

Trong thời gian đầu du học, Dũng có thói quen quy đổi giá trị của tất cả các sản phẩm em định mua ra tiền Việt. Việc này khiến em sốc mỗi lần đi siêu thị và luôn phải lăn tăn, suy nghĩ xem có nên mua hay không – dù cho đấy đều là đồ thiết yếu. 

Sau khoảng 1 tháng, em hiểu rằng khi sống ở một môi trường mới thì mức chi trả cũng phải khác đi. Em dần bỏ được thói quen đổi sang tiền Việt và thấy “dễ thở” hơn mỗi lần đi mua sắm. 

Tính tự lập

“Dù từng đi học đại học xa nhà khi còn ở Việt Nam, bạn vẫn sẽ phải học lại cách sắp xếp cuộc sống tự lập khi du học” – Dũng cho biết cuộc sống ở nước ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với tưởng tượng. 

Những ngày đầu mới đi du học, Dũng cảm thấy lạc lõng. Em thường xuyên gọi điện cho gia đình và bạn bè ở Việt Nam. Việc kết nối, chia sẻ về cuộc sống giúp Dũng cảm thấy nhẹ lòng hơn. Bên cạnh đó, Dũng cũng tìm kiếm những hội nhóm người Việt và cộng đồng du học sinh tại đây để sớm vượt qua cảm giác bơ vơ trong cuộc sống mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn