MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khắc phục những bất cập khi xét tuyển đại học bằng học bạ

KHÁNH AN LDO | 24/02/2023 12:43

Việc xét tuyển “thuần” bằng học bạ THPT có thể khiến chất lượng đầu vào của các trường đại học không được đảm bảo và gây khó cho quá trình đào tạo. 

Những hệ luỵ về lâu về dài

Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 120 trường đại học đã công bố phương thức xét học bạ THPT để tuyển sinh năm 2023. Thầy Trần Trung Hiếu - Giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An cho rằng đây là con số “đáng lo ngại”. 

Thầy Hiếu cho biết, ngành giáo dục cũng như nhiều ngành khác, bệnh thành tích đã vốn là một căn bệnh trầm kha. Số lượng học sinh vào đại học luôn là một thước đo quan trọng của nhiều trường, nhiều địa phương. Và đối tượng trực tiếp chịu áp lực này là giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn khi kiểm tra, đánh giá và tổng kết điểm.

Thêm vào đó, nhiều thầy cô dù biết rằng trong suốt 3 năm học, lực học của học trò chưa thật sự tốt, nhưng vì quyền lợi trực tiếp liên quan đến xét tuyển vào đại học, các thầy cô không nỡ khắt khe. 

“Chúng ta có thể nhìn nhận rõ được điều này thông qua các con số, khi mà học sinh có điểm tổng kết học bạ phổ thông bị vênh với điểm thi tốt nghiệp THPT ở các môn thi bắt buộc và các môn thi lựa chọn tổ hợp” - thầy Hiếu nói.  

Trong đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục giáo dục, có rất nhiều nội dung, nhưng một khâu vô cùng quan trọng thu hút sự quan tâm đông đảo của người học, người dạy và dư luận xã hội là đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá và phương án, hình thức thi cử, tuyển sinh.

“Từ thực tiễn của giáo dục và sự đòi hỏi của xã hội, trong bối cảnh giai đoạn hiện tại và vài năm tới, không có phương án  tuyển sinh nào là tối ưu. Phương án nào cũng có thể chứa đựng tính hai mặt và phương án xét tuyển bằng học bạ cũng không là ngoại lệ” - Giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu nhận định. 

Thầy Trần Trung Hiếu - Giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An. Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Xét về mặt lợi thế, phương án xét học bạ giúp cho nhiều trường đại học thuận lợi về số lượng trong việc xét tuyển đầu vào. Bởi nếu thi sòng phẳng, nhiều học sinh khó có đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu của đề thi để trúng tuyển vào đại học. Còn nếu xét tuyển từ học bạ, cơ hội vào đại học sẽ rộng mở hơn.

Thế nhưng, phương thức này cũng có nhiều bất cập. Trong trường hợp cơ sở giáo dục đại học chỉ dùng một phương án này cho xét tuyển đầu vào thì chất lượng sẽ “khó có thể an tâm”. Các trường đại học cũng sẽ vất vả hơn trong việc truyền thụ kiến thức và kỹ năng, học nghề và thành nghề trong suốt quá trình đào tạo. 

Thầy Hiếu cho hay, phương án xét tuyển vào đại học bằng học bạ phổ thông nếu kéo dài, sẽ tạo nên những hệ lụy không tốt về chất lượng giáo dục. Vì vậy, các trường đại học nên có sự phối hợp cả 2 phương thức xét tuyển: Điểm thi là chủ đạo và mang tính quyết định, điểm tổng kết học bạ chỉ là điều kiện cần.

“Các trường đại học hiện nay, đa số đều vận hành theo cơ chế tự chủ, tùy vào điều kiện từng trường mang tính chất phổ biến hay đặc thù, đặc biệt. Tuy nhiên, theo tôi, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xét tuyển đại học bằng học bạ THPT, Bộ GDĐT cần nghiên cứu kỹ lưỡng và phối hợp với các địa phương, các trường đại học để có những quy định, những giải pháp mang tính thống nhất cho phương án tuyển sinh vào đại học cho những năm sắp tới” - thầy Hiếu chia sẻ. 

 Nhiều trường đại học đã công bố phương thức xét học bạ THPT để tuyển sinh năm 2023. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn 

Chênh lệch giữa điểm thi và điểm học bạ

Năm 2022, các trường dành khoảng 240.000 chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ và xét tuyển kết hợp học bạ với các tiêu chí khác, chiếm 40% tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học. Tỷ lệ nhập học của phương thức xét học bạ là 36,2%, cao thứ hai trong 18 phương thức, chỉ sau xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (52,3%).

Thế nhưng, theo dữ liệu thống kê của Bộ GDĐT, đa số các địa phương dẫn đầu cả nước về điểm học bạ lại không có điểm thi cao nhất. 

Cụ thể, năm 2022, Hà Nội là một trong 10 tỉnh, thành có điểm học bạ cao nhất cả nước ở cả 8 môn thi tốt nghiệp THPT. Nhưng trong kết quả thi, trừ môn Ngoại ngữ xếp thứ 4, 7 môn còn lại đều bật ra khỏi top 10. 

Hà Nội dẫn đầu cả nước về điểm học bạ môn Hóa học và Sinh học nhưng điểm trung bình trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 lại xếp vị trí thứ 58/63 tỉnh thành trên cả nước ở cả hai môn học này.

Đồng Tháp cũng có mặt trong danh sách 10 địa phương có điểm học bạ cao nhất cả nước ở hầu hết các môn gồm Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Vật lý, Sinh học, Hóa học. Thế nhưng tỉnh này lại không có môn nào lọt top 10 về điểm thi tốt nghiệp THPT. Điểm thi các môn Vật lý của Đồng Tháp xếp thứ 52, môn Hóa học xếp thứ 38, các môn còn lại đa số xếp thứ 20.

Phú Yên có điểm học bạ môn Địa lý và Lịch sử cùng xếp thứ 10 nhưng điểm thi tốt nghiệp THPT cùng ở vị trí số 61/63 tỉnh thành. Sóc Trăng có điểm học bạ môn Giáo dục công dân xếp thứ 3 nhưng điểm thi xếp thứ 40, điểm học bạ môn Sinh học xếp thứ 9 nhưng điểm thi xếp thứ 34.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn