MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Bùi Thị An cho rằng một lễ khai giảng ý nghĩa cần được xây dựng dựa vào tâm lí, sở thích và phù hợp với lứa tuổi của học sinh. Ảnh: Hải Nguyễn

Khai giảng có vui, có ý nghĩa hay không phụ thuộc vào trình độ của người quản lý

HUYÊN NGUYỄN LDO | 04/09/2018 10:16

PGS.TS Bùi Thị An - ĐBQH khoá XIII bày tỏ: Một lễ khai giảng thật sự vui vẻ và ý nghĩa không cứ phải thời gian dài hay ngắn mà quan trọng là nội dung, cách thức tổ chức. Có được điều này phụ thuộc rất nhiều vào trình độ của người quản lý.

Thưa PGS.TS Bùi Thị An. Sau trận lũ lịch sử, nhiều trường học đang bị vùi lấp trong bùn đất, trang thiết bị dạy và học bị hư hỏng nặng nề. Theo bà, liệu các trường bị thiệt hại có nhất thiết phải tổ chức khai giảng đúng ngày 5.9 hay không?

- Các địa phương vùng núi đang bị thiệt hại rất nặng nề do thiên tai, có những vùng thậm chí vẫn còn đang bị cô lập. Tuỳ từng hoàn cảnh của từng địa phương mà lãnh đạo tại đây cần cân nhắc. Theo tôi, không nhất thiết phải tổ chức khai giảng đúng ngày 5.9.

Chúng ta không nên quá nặng nề, khiên cưỡng về ngày này. Khai giảng là cho học sinh, ít nhất học sinh phải có mặt đầy đủ, có điều kiện tối thiểu để đảm bảo học tập, vì thế, các địa phương khó khăn cần linh động, linh hoạt để vừa đảm bảo mục tiêu học tập và đảm bảo an toàn tính mạng, điều kiện dạy, học của thầy và trò.

Nếu đề xuất lùi ngày khai giảng, thời điểm nào là hợp lí để tổ chức khai giảng năm học mới cho học sinh vùng lũ, thưa bà?

- Đối với các trường học vùng lũ, thời điểm có thể khai giảng tốt nhất là khi điều kiện sinh hoạt của các em trở lại bình thường như giao thông, điều kiện sống và học tập. Cần thời gian để các địa phương khắc phục khó khăn, tuy nhiên, các trường cũng không nên để lùi thời gian khai giảng lại quá lâu. Hầu hết, các trường đang gặp thiếu thốn về sách vở, trang thiết bị học tập, cần tập trung huy động các nguồn lực đáp ứng yêu cầu này.

Một vài năm gần đây, nhiều người cho rằng lễ khai giảng thực sự không còn ý nghĩa và vui vẻ như xưa. Theo bà, lễ khai giảng cần thực hiện như thế nào để đảm bảo vui tươi, hào hứng và ý nghĩa, lấy học sinh làm trung tâm?

- Lễ khai giảng phải để lại ấn tượng sâu sắc, niềm hứng khởi cho học sinh, phụ huynh và thầy cô. Có được điều này không phụ thuộc về thời lượng mà cần chú trọng đến nội dung tổ chức. Nhà trường cần nghiên cứu kĩ về học sinh như lứa tuổi các em có những sở thích nào, mong muốn gì, tâm lí ra sao.

Từ những nghiên cứu đó, nhà trường có thể xây dựng được một lễ khai giảng ý nghĩa. Ví dụ nên mời những em học sinh từng là học sinh cũ của trường, có hoàn cảnh khó khăn nhưng biết vươn lên, đến nay trở thành học sinh giỏi, thành đạt đến trường nói chuyện, như vậy sẽ ý nghĩa hơn và tạo động lực cho học sinh đầu năm học mới.

Dù tổ chức dưới hình thức nào thì theo tôi, lễ khai giảng cần đạt được yêu cầu và mục tiêu là giúp học sinh vui vẻ, hồ hởi bước vào, nắm được thông điệp cốt yếu, nhiệm vụ chủ yếu của các em trong năm học, thông điệp của nhà trường. Để có một lễ khai giảng thật sự vui vẻ và ý nghĩa, phụ thuộc rất nhiều vào trình độ của người tổ chức, quan điểm của lãnh đạo nhà trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn