MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ khai giảng là dấu mốc quan trọng đánh dấu một năm học mới bắt đầu. Ảnh: Hải Nguyễn

Khai giảng là ngày hội cho học sinh chứ không phải để phục vụ lãnh đạo

Nguyễn Hà LDO | 04/09/2018 06:23
“Em chỉ ước khai giảng có quạt, em muốn thầy cô nói tóm gọn thôi, trước khai giảng phải tập nhiều em mệt lắm…”, đây là những mong ước của các em học sinh khi ngày khai giảng đang đến rất gần. 

Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà các em học sinh lại có những mong ước như vậy trong ngày khai giảng, bởi những bài phát biểu dài lê thê nghe xong không đọng lại được gì, bởi những buổi tập duyệt đội hình mệt mỏi bất kể nắng hay mưa, bởi phải ngồi chen nhau trong cái nắng tháng 9 còn oi bức…

“Em chỉ ước khai giảng có quạt”

Đó là mong muốn của em Nguyễn.H.P (Tiểu học A). Trải qua mấy năm khai giảng ở bậc tiểu học, P cho biết, trường em rất đông, các bạn ngồi cạnh nhau trong suốt lễ khai giảng rất lâu nên nóng nực, do đó chỉ mong khai giảng có thêm quạt cho bớt nóng.

P cũng cho hay, trong ngày khai giảng, thầy cô đọc rất nhiều thứ mà em không thể nhớ được.

Những cái ngáp dài mệt mỏi trong ngày khai trường. Ảnh: Nguyễn Khánh

Em Nguyễn M.Đ (THCS B) cũng cho biết, mong muốn của em trong ngày khai giảng là không phải nghe những bài phát biểu quá dài của các thầy cô. Em muốn khai giảng được đi tham quan nhà trường, các khu sân tập thể thao của các câu lạc bộ trong trường.

Chị Nguyễn Hồng Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, ngày khai giảng của nhiều trường hiện nay còn quá nhiều lý thuyết. Với thời tiết này, ngày khai giảng sẽ rất nóng, các con phải tập trung ở sân trường để nghe những bài diễn văn thì thật sự sẽ không vui.

Khai giảng là ngày hội cho học sinh chứ không phải để phục vụ quan chức

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng - khẳng định, ngày khai giảng phải đặt mục tiêu phục vụ học sinh là chính chứ không phải để phục vụ lãnh đạo. Ngày khai giảng nên tổ chức cho học sinh, để ngày hội đó thật sự vui vẻ, phấn khởi cho năm học mới.

Nội dung khai giảng cần ngắn gọn, súc tích, chương trình chặt chẽ, không nên kéo dài thời gian. Cũng nên đưa vào những tiết mục văn nghệ với những bài hát mà học sinh yêu thích chứ không nên năm nào cũng chỉ hát những bài hát truyền thống thôi là chưa đủ.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, những năm gần đây, sau khi có sự chỉ đạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường học đã có sự thay đổi trong cách tổ chức khai giảng. Lãnh đạo đến dự chỉ để chứng kiến chứ không phải đến để phát biểu, đó là một sự thay đổi hướng đến học sinh.

Vì thực sự một số lãnh đạo không thể nắm rõ được tình hình học sinh của các nhà trường mà chỉ phát biểu chung chung làm cho học sinh mệt mỏi, không hứng thú, ngồi ngáp ngắn ngáp dài ở sân trường.

Theo TS Tùng Lâm, nhiều trường còn tâm lý sợ sệt cấp trên nên ít nhiều vẫn phải mời họ phát biểu, chưa làm chủ được trong chính ngày khai giảng của trường mình.

Thầy Nguyễn Quốc Bình - nguyên Hiệu trưởng THPT Việt Đức - cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án tổ chức khai giảng ngắn gọn. Thầy Bình cho rằng, ngày khai giảng phải thực sự là ngày vui của các em. Bài phát biểu khai giảng không nên quá dài và nội dung nên gửi đến các em học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh những mong muốn, dự định, hi vọng về hoạt động giáo dục của nhà trường trong năm học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn