MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toạ đàm trực tuyến “Khi giáo viên là nạn nhân của bạo lực học đường: Tại sao tinh thần “tôn sư trọng đạo" bị phai nhạt?" do Báo Lao Động tổ chức. Ảnh: PV

Khi giáo viên trở thành nạn nhân bạo lực học đường

Nhóm PV LDO | 10/12/2023 06:00

Chia sẻ tại Tọa đàm “Khi giáo viên là nạn nhân của bạo lực học đường: Tại sao tinh thần tôn sư trọng đạo bị phai nhạt?” do Báo Lao Động tổ chức ngày 8.12, các khách mời đều cho rằng, để xảy ra sự việc học sinh ném dép vào người cô giáo ở Trường THCS Tân Phú, Sơn Dương, Tuyên Quang, người đứng đầu nhà trường phải có trách nhiệm.

Xử lý nghiêm hiệu trưởng nhà trường

Những ngày qua, dư luận xã hội xôn xao trước đoạn video ghi lại cảnh nhóm học sinh THCS tại tỉnh Tuyên Quang dồn ép cô giáo vào góc lớp, ném dép vào người cô. Càng đau lòng hơn khi sự việc xảy ra ngay tại lớp học.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm do Báo Lao Động tổ chức, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - đánh giá, việc bị xô lệch những chuẩn mực giá trị đạo đức là nguyên nhân xảy ra những hành động không đúng với đạo lý giữa giáo viên và học sinh.

"Sự việc xảy ra khiến chúng ta đều bức xúc, nhưng ở đây cần làm rõ, xem xét tổng thể trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường và trách nhiệm của học sinh, phụ huynh để có các biện pháp chấn chỉnh" - ông Minh nói.

Các chuyên gia tham dự buổi tọa đàm cũng đồng tình với quan điểm cần làm rõ trách nhiệm của hiệu trưởng và có hình thức xử lý nghiêm để làm gương đối với vụ việc xảy ra ở Tuyên Quang.

Về phía Bộ GDĐT, TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - cũng cho rằng, với tình huống cụ thể như vụ việc cô giáo ở Tuyên Quang bị nhóm học sinh bạo hành ngay trong lớp, trách nhiệm lớn nhất thuộc về người đứng đầu nhà trường.

Ông Tài lấy dẫn chứng, ngay trong điều lệ trường học, điều đầu tiên, học sinh không được sử dụng điện thoại chụp hình, ghi hình, ghi âm trong quá trình giáo viên giảng bài, nhưng trong vụ việc ở tỉnh Tuyên Quang, theo chia sẻ của cô giáo, các em học sinh thường xuyên có hành vi vi phạm quy định này. Vậy, vì sao các em không nắm được nội quy? Hay do nhà trường thiếu kiên quyết trong việc quán triệt học sinh thực hiện các điều lệ, nội quy lớp học?

“Trách nhiệm lớn nhất thuộc về người đứng đầu, giáo viên đã không nhận được sự hỗ trợ của nhà trường và phải chọn cách im lặng, khiến cho sự việc càng trở nên nghiêm trọng” - ông Tài đánh giá.

Bằng trải nghiệm của bản thân, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học đưa ra lời khuyên cho các thầy cô cần nhanh chóng báo tin, thông tin sự việc cho các cơ quan có thẩm quyền, không nên chọn cách im lặng.

Cô giáo H. nằm ra đất sau khi bị một số học sinh ném vật thể lạ vào người. Ảnh cắt từ clip.

Giáo dục cần tình yêu thương

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân - Giáo viên Trường THCS Phan Chu Trinh (Ba Đình, Hà Nội) - bày tỏ sự xót xa, trăn trở khi chứng kiến cảnh đồng nghiệp bị bạo hành.

Với hơn 30 năm đứng trên bục giảng, cô Thanh Vân cho rằng, mỗi một giáo viên khi lên lớp phải đối mặt với rất nhiều tình huống sư phạm khác nhau. Trong một số tình huống, có thể giáo viên cũng có những lời nói, cách cư xử chưa chuẩn mực. Những lúc như vậy, người thầy cũng cần xin lỗi học trò, để làm gương cho học sinh.

Dưới góc nhìn của nhà quản lý giáo dục, TS Thái Văn Tài đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc ngăn chặn các hành vi lệch chuẩn trong môi trường giáo dục. Cụ thể, giáo viên chủ nhiệm là người gần gũi, hiểu rõ học trò. Do đó, mỗi thầy cô chủ nhiệm hãy chú ý hơn đến học trò, tham mưu cho ban giám hiệu trong những tình huống cụ thể.

Về phía các nhà trường, ông Tài cho rằng, cần phải xây dựng lại chuẩn mực hành vi, không gian văn hoá của nhà trường từ những thiết chế rất cụ thể hiện nay đang có.

"Với điều lệ trường học, nhà trường cần chi tiết bằng nội quy, xây dựng chuẩn mực văn hoá, quán triệt và thống nhất qua quy trình từ hội đồng trường, hội đồng sư phạm, sau đó phổ biến xuống từng lớp, từng phụ huynh, đây mới là điều quan trọng cần thực hiện" - ông Tài nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn