MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự kiến Lịch sử là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc từ năm 2025. Ảnh: Hải Nguyễn

Khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT: Thách thức không nhỏ

Trang Hà LDO | 20/02/2023 09:28

Theo nhiều giáo viên, phương án đưa Lịch sử trở thành môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc từ năm 2025 là cơ hội để nâng cao vị thế môn học, cũng là thách thức lớn với người học và người dạy. 

Lịch sử có thể là môn thi tốt nghiệp bắt buộc từ 2025

Mới đây, tại buổi chia sẻ về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở Trường Tiểu học, THCS và THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Hữu Độ đã chia sẻ sơ bộ dự thảo phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, hiện học sinh lớp 10 đang học 6 môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Lịch sử. Căn cứ vào đó, dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có 4 môn thi bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ. 

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý, đây là phương án Bộ GDĐT đang nghiên cứu và dự kiến, chưa phải phương án chính thức.

“Bộ GDĐT đang cùng các chuyên gia xây dựng, xin ý kiến góp ý sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt" - Thứ trưởng Bộ GDĐT nói. 

Cơ hội cũng là thách thức

Bày tỏ sự vui mừng khi tiếp nhận thông tin này, ông Nguyễn Quang Kê - Giáo viên Trường THPT Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) - cho rằng, với tinh thần “dân ta phải biết sử ta" thì phương án này sẽ được phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo ủng hộ. Thực trạng học môn Lịch sử của học sinh hiện nay vẫn là học gì thi đó. 

Hơn nữa, kiến thức lịch sử của nhiều học sinh cấp 3 bị hổng do có định hướng thi đại học theo khối nên bỏ qua môn học này.

Để học sinh tiếp nhận và yêu thích môn Lịch sử, thầy cô phải nâng cao kiến thức chuyên môn, tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

"Hiện tại, sách giáo khoa mới lớp 10 đã khắc phục được phần nào sự nặng nề, hàn lâm của kiến thức môn học. Vì vậy, giáo viên chúng tôi rất mong Bộ GDĐT sát sao hơn về vấn đề này, tạo điều kiện để giáo viên và học sinh có tinh thần đổi mới tốt nhất" - ông Kê mong mỏi.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Tài Khôi - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đông Sơn 1 (Thanh Hóa) - cho rằng, phương án nào cũng có ưu điểm và hạn chế.

Về ưu điểm, phương án đưa môn Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đồng nghĩa với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nâng cao vai trò của môn Lịch sử. 

"Hiện nay, môn Lịch sử được nhiều thí sinh lựa chọn để xét tuyển vào đại học với các ngành đào tạo liên quan như: Truyền thông, Báo chí, Chính trị học, Luật, Quan hệ công chúng, Sư phạm… Phương án đổi mới rất phù hợp, thuận lợi cho các trường đại học xét tuyển đầu vào” - thầy Khôi phân tích.

Bên cạnh đó, còn tồn tại một số hạn chế. Theo đó, học sinh vừa được làm quen với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, vì vậy phương pháp học, thực hành còn nhiều bỡ ngỡ.

Tiếp đến, khi đưa môn học này trở thành môn thi bắt buộc cần có thời gian để nâng cao nhận thức của các em cũng như tầm quan trọng của môn học. Từ đó chất lượng nghiên cứu cũng như thi cử sẽ đạt được hiệu quả cao hơn.

"Theo quan điểm của tôi, việc áp dụng quyết định này cho năm 2025 còn hơi sớm” - ông Nguyễn Tài Khôi chia sẻ ý kiến. 

Trước đó, trả lời cử tri tỉnh Tuyên Quang, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, bộ đã xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2023, 2024 theo hướng giữ ổn định như năm 2022.

Đồng thời, triển khai xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm đúng định hướng xuyên suốt, thống nhất về đánh giá kết quả giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Hiện nay, Bộ GDĐT đang tổ chức tham khảo ý kiến rộng rãi các chuyên gia, các nhà quản lý, thầy cô giáo, các nhà trường và toàn xã hội để tiếp tục hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn