MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Do xuất hiện nhiều ổ dịch phức tạp, nhiều địa phương tại Điện Biên phải cho học sinh nghỉ học trực tiếp để phòng dịch.

Khi nào học sinh Điện Biên được trở lại trường học trực tiếp?

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 25/11/2021 20:16

Điện Biên - Từ đầu tháng 11 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 400 bệnh nhân mắc COVID-19. Nhiều địa phương phải cho học sinh nghỉ học trực tiếp để phòng dịch.

Hàng chục nghìn học sinh phải dừng học trực tiếp

Địa phương đầu tiên ở Điện Biên phải cho học sinh dừng đến trường học trực tiếp là huyện Điện Biên. Sau khi phát hiện nhiều ổ dịch phức tạp, ngày 8.11, toàn bộ trẻ em, học sinh, học viên thuộc các cơ sở giáo dục được yêu cầu tạm dừng đến trường cho đến khi có thông báo mới.

Theo đó, huyện Điện Biên có 21 xã với 65 trường mầm non, tiểu học, THCS với tổng số gần 24.000 học sinh; cấp THPT có hơn 1.000 học sinh đều được nghỉ học trực tiếp và chuyển sang các hình thức học phù hợp.

Đến ngày 18.11, tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại TP. Điện Biên Phủ liên quan đến nhiều giáo viên tại các cấp học. Theo đó, tất cả học sinh trên địa bàn thành phố đã phải tạm dừng đến trường để tiến hành sàng lọc và phân luồng phục vụ công tác phòng chống dịch.

Đến ngày 25.11, trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ đã có hơn 30 cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có 25 giáo viên công tác ở 20 đơn vị trường học và 6 học sinh ở 6 trường học.

Học sinh TP. Điện Biên Phủ tự ôn bài trong khu cách ly tại trường học.

Cùng với đó, cơ quan y tế đã xác định có hơn 2.500 học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên là F1 và hơn 7.000 F2. Trong đó 1.000 F1 là giáo viên và học sinh đang cách ly tại nhà và hơn 1.000 F1 là giáo viên và học sinh đang cách ly tại trường học.

Ngày 19.11, Sở GDĐT Điện Biên cũng đồng ý với đề nghị của huyện Nậm Pồ và Mường Ảng cho hơn 10 nghìn học sinh mầm non và THCS tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy học trực tuyến và các hình thức phù hợp khác để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Khi nào học sinh trở lại trường học trực tiếp?

Chiều 25.11, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đặng Quang Huy - Trưởng phòng GDĐT huyện Điện Biên cho biết: “Sau gần 3 tuần cho học sinh trên địa bàn dừng đến trường học trực tiếp, đến nay theo thống kê chỉ có khoảng hơn 60% học sinh trong đối tượng phải học online có đủ điều kiện tham gia các buổi dạy trực tuyến. Gần 40% số học sinh còn lại không có thiết bị kết nối mạng hoặc ở những nơi không có mạng”.

“Trước thực trạng đó, hiện Phòng GDĐT đã trình phương án cho các em học sinh ở “vùng xanh” trở lại trường để học trực tiếp từ thứ 2 tuần tới (29.11-PV); các em học sinh ở vùng vàng và vùng cam tiếp tục nghỉ học” – ông Đặng Quang Huy cho biết.

Bà Lê Thị Hồng - Trưởng phòng GDĐT TP. Điện Biên Phủ thì cho biết: “Sau gần 1 tuần, tổ chức dạy và học trực tuyến cho các em học sinh trên địa bàn đã được thực hiện khá tốt, các em đều có đủ thiết bị và điều kiện để tham gia lớp học. Thậm chí, nhiều em học sinh là F0 hoặc F1 đang cách ly tập trung cũng tham gia vào các tiết học như các bạn không phải cách ly”.

Lực lượng phòng chống dịch COVID-19 phun khử khuẩn trường, lớp học để đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại học trực tiếp.

Hiện nay, dịch COVID-19 trên địa bàn thànhphố vẫn diễn biến phức tạp, do vậy, đơn vị đang tiếp tục rà soát các đối tượng ở từng đơn vị và chuẩn bị mọi tình huống.

“Khi nào đủ điều kiện để giáo viên và học sinh quay lại học trực tiếp đảm bảo “thích ứng an toàn” thì chúng tôi sẽ báo cáo và xin ý kiến Sở GDĐT để quyết định” - bà Hồng thông tin thêm.

Còn ông Ngô Xuân Chiến – Trưởng phòng GDĐT huyện Nậm Pồ cũng cho biết: “Khi dịch COVID-19 ở TP. Điện Biên Phủ bùng phát thì qua rà soát trên địa bàn huyện có khoảng 300 người là giáo viên và phụ huynh học sinh mới từ thành phố về.

Do vậy, đơn vị đã đề xuất cho các em học sinh tạm dừng đến trường trong 1 tuần (ở nhà ôn tập) để đảm bảo an toàn. Đến nay, tình hình đã được kiểm soát nên các em học sinh sẽ trở lại trường để học trực tiếp từ đầu tuần tới, ngày 29.11”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn