MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khó khăn của trường đại học trong việc xây dựng kế hoạch tuyển sinh 2025

Hải Danh - Cường Ngô LDO | 15/12/2023 06:18

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học. Để hiểu rõ hơn về thuận lợi và khó khăn của các trường trong bối cảnh hiện nay, Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với TS Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Giao thông Vận tải.

Ông đánh giá như thế nào về phương án 2+2 thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với số môn thi là 4 (2 môn Toán, Ngữ văn bắt buộc và 2 môn lựa chọn)?

- Để đánh giá và lựa chọn phương án trên, tôi cho rằng Bộ GDĐT đã đánh giá trên nhiều yếu tố, phương diện như: Giảm áp lực thi cử đối với học sinh; Tiết kiệm chi phí cho gia đình, học sinh và xã hội; Đảm bảo để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng để xét tuyển.

Phương án 2+2 như Bộ GDĐT công bố đã đảm bảo tốt các phương diện giảm áp lực, tiết kiệm chi phí và cơ bản đáp ứng được phương diện xét tuyển đại học (nhưng chưa hẳn là ưu việt nhất nếu nhìn về phương diện tổ hợp xét tuyển).

Phương án 2+2 sẽ có 4 bài thi theo môn, thay vì bài thi Khoa học tự nhiên (Lý, Hoá, Sinh), bài thi Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Theo tôi, đây là cơ hội để cơ cấu lại thời gian thi, nội dung thi mỗi môn, nhằm tăng cường chất lượng các môn phục vụ xét tuyển.

Nhìn tổng thể thì đây là phương án tốt nhất trong các phương án Bộ GDĐT đưa ra lấy ý kiến.

TS Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Giao thông Vận tải. Ảnh: Trang Hà

Phương án thi 2+2 ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch tuyển sinh của các trường đại học nói chung và Trường Đại học Giao thông Vận tải nói riêng, thưa ông?

- Chúng ta cần nhìn 2 phía, từ cơ sở giáo dục đại học và thí sinh.

Từ phía các cơ sở giáo dục đại học thì phương án 2+2 có thể tạo ra đủ số tổ hợp phủ toàn bộ các tổ hợp truyền thống đã sử dụng như những năm trước đây. Các trường có thể không cần điều chỉnh tổ hợp xét tuyển.

Từ phía thí sinh phương án này cũng có hạn chế trong xét tuyển, cụ thể:

Ví dụ, năm trước thí sinh thi tốt nghiệp gồm các môn Văn, Toán, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học) thì khối tự nhiên các em sẽ có ít nhất 7 tổ hợp truyền thống để xét tuyển như: A00 (Toán, Vật lý, Hoá học), A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), D07 (Toán, Hoá học, Tiếng Anh), D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh), B00 (Toán, Hoá học, Sinh học), B08 (Toán, Sinh học, Tiếng Anh).

Trong khi đó theo phương án 2+2 thí sinh chỉ có từ 1-2 tổ hợp truyền thống để xét tuyển. Ví dụ như thí sinh chọn 2 môn lựa chọn là Hoá học, Sinh học thì chỉ có 1 tổ hợp là B00 (Toán, Hoá học, Sinh học). Nếu học sinh chọn Tiếng Anh, Vật lý thì có 2 tổ hợp là D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh), A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh).

Như vậy, các trường có thể giữ ổn định các tổ hợp xét tuyển như năm trước, nhưng thí sinh có thiệt thòi, đặc biệt là các em giỏi toàn diện vì số lượng tổ hợp xét tuyển của mỗi em là rất hạn chế.

Xin ông chia sẻ về kế hoạch xây dựng đề án tuyển sinh năm 2025 của Trường Đại học Giao thông Vận tải? Thời điểm nào nhà trường sẽ công bố phương án tuyển sinh và các tổ hợp môn xét tuyển, thưa ông?

- Như đã phân tích, với phương án 2+2 các trường hoàn toàn có thể giữ ổn định tổ hợp xét tuyển như năm trước. Tuy nhiên chúng tôi cần thêm thời gian để đánh giá sâu thêm. Từ đó có các quyết định toàn diện về phương thức tuyển sinh và đặc biệt là các tổ hợp xét tuyển cho năm 2025 nhằm đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và thuận lợi nhất cho các thí sinh tham gia xét tuyển.

Chúng tôi ý thức được việc cần công bố phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển cho thí sinh càng sớm càng tốt để các em có định hướng học tập ngay từ đầu cấp THPT.

Và nhà trường sẽ sớm có quyết định về vấn đề này vào đầu năm 2024.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn của các cơ sở giáo dục đại học hiện này là không được tiếp cận số lượng thí sinh đăng ký học các tổ hợp tự chọn ở bậc THPT (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) theo từng tỉnh, thành phố và toàn quốc.

Nếu Bộ GDĐT công bố hàng năm dữ liệu này thì rất thuận lợi cho các trường trong việc phân tích, đánh giá và đưa ra quyết định.

Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn