MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp để phục vụ cho việc học tập. Ảnh minh hoạ: VT.

"Không cấm và không thể cấm được học sinh sử dụng điện thoại trong lớp"

Hà Thanh LDO | 23/09/2020 08:19

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie cho biết: "Chúng ta không cấm và không thể cấm được học sinh sử dụng điện thoại trong lớp".

Điện thoại được sử dụng như đồ dùng học tập

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 32, quy định nếu được giáo viên cho phép và để phục vụ học tập, học sinh THCS, THPT được dùng điện thoại di động và các thiết bị khác trong giờ học. Việc này đã khiến không ít người tỏ ra băn khoăn lo lắng và nhiều người bày tỏ đồng tình.

Liên quan đến vấn đề này, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie cho biết: "Theo giải thích của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng ta cần hiểu điện thoại thông minh được sử dụng trong giờ học như một đồ dùng học tập đối với học sinh cũng như máy tính cầm tay, thước kẻ, compa...".

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie. Ảnh: LĐO.

Ngoài ra, khi giáo viên cho phép học sinh sử dụng điện thoại truy cập nội dung nào đó trên mạng internet phục vụ bài học, lúc đó học sinh mới được dùng. Học sinh không được sử dụng điện thoại làm việc khác, ngoài yêu cầu của giáo viên. Khác với quy định trước đây, học sinh không được sử dụng điện thoại trong giờ học. Quy định như thế không hợp lý, không khai thác được mặt tích cực của phương tiện này phục vụ học tập, thầy Xuân Khang thông tin thêm

Không cấm và không thể cấm được

Dưới góc nhìn của một giáo viên và là người quản lý trong ngành giáo dục, thầy Nguyễn Xuân Khang khẳng định: "Thời nay, hầu hết học sinh đều mang theo người một chiếc điện thoại. Trong mọi trường hợp, trước đây hoặc sau này khi Thông tư 32 có hiệu lực, giáo viên vẫn phải “quản lý” học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Chúng ta không cấm và không thể cấm được việc này. Vấn đề là sử dụng vào việc gì, lúc nào và ở đâu cho phù hợp".

Giáo viên Phạm Thái Lê (Trường THCS - THPT Marie Curie) bày tỏ quan điểm: "Sử dụng điện thoại trong giờ học tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào người áp dụng quy định. Tôi thấy đây là một bước tiến trong tiến trình của thay đổi giáo dục. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng quy định này và tôi vẫn mong chờ sự nghiên cứu cụ thể để làm sao các em học sinh sử dụng điện thoại nhưng không làm thui chột tư duy phản biện, tư duy tìm kiếm thông tin".

Cũng chung quan điểm với cô Lê, cô Trần Hồng Hà (giáo viên Tiếng Anh Trường THCS - THPT Marie Curie) cho hay: "Chiếc điện thoại thông minh là kho tàng tri thức của nhân loại. Việc cho học sinh dùng điện thoại trong giờ nếu được giáo viên cho phép và phục vụ học tập cần được khuyến khích, giúp các em nhanh chóng cập nhật, tiếp cận tri thức của nhân loại. Điều này đòi hỏi vai trò và trách nhiệm quản lý giờ học, tiết học của giáo viên sẽ cao hơn".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn