MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều giáo viên mong muốn được giảm bớt những đầu việc, những cuộc thi, bài thi không thiết thực để tập trung chuyên môn giảng dạy. Ảnh minh hoạ: Khánh Linh

Không chỉ mong sống được bằng lương, giáo viên còn muốn được làm chuyên môn

Khánh Linh LDO | 29/11/2023 11:19

Trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam khoá 2023 - 2028, nhiều giáo viên đề xuất mong muốn được ngành giáo dục quan tâm, gạt bỏ bớt những việc rườm rà để được làm đúng chuyên môn, đồng thời có thời gian nghiên cứu, nâng cao trình độ sư phạm.

Mong muốn được làm đúng chuyên môn

Trò chuyện với PV, cô giáo Nguyễn Kim Hồng - một giáo viên ở huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai cho biết: "Trên thực tế, tôi dạy ở khối 1-2 thì còn ít, nhưng từ các lớp 4-5 trở lên, mỗi năm có rất nhiều cuộc thi, bài thi như viết tin bài tuổi hoa, sưu tập tem, viết thư UPU hay các bài dự thi tìm hiểu về Đoàn, Đội...".

Mặc dù theo cô Hồng, một số cuộc thi, bài thi không thực sự bổ ích với học sinh, dù vậy, cấp trên vẫn yêu cầu số lượng bài thi khiến nhà trường phải yêu cầu các em chạy theo số lượng. Chưa kể có những bài thi chỉ nộp đi chứ không có kết quả trả về, cũng không có phản hồi từ ban tổ chức.

"Nếu như ở thành phố, các học sinh được bố mẹ hướng dẫn, định hướng nội dung để tạo ra các sản phẩm có trọng tâm, giá trị thì ở vùng cao, bố mẹ bận đi lên nương hay đi làm xa, việc giúp con có một bài thi tốt dường như là điều không thể.

Khi đó, việc hướng dẫn cho các em sẽ do các thầy cô giáo đảm nhiệm, đồng nghĩa với thời gian tập trung vào chuyên môn và chăm sóc cho gia đình của các thầy, cô sẽ phải giảm bớt đi rất nhiều" - nữ giáo viên vùng cao chia sẻ.

Nhiều thầy cô giáo mong muốn được làm đúng chuyên môn của mình. Ảnh: NVCC

Nêu quan điểm về vấn đề trên, thầy giáo Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ (Hoà Bình) cho biết: "Hiện nay, phần lớn giáo viên, đặc biệt giáo viên cấp 1, cấp 2 đang phải làm những công việc không hề liên quan đến hoạt động chuyên môn, không thực chất.

Chẳng hạn như các cuộc thi khoa học kỹ thuật được tổ chức hàng năm. Ở cấp THPT, giáo viên chỉ cần hướng dẫn thì học sinh sẽ tự chủ động mày mò, nghiên cứu và cho ra sản phẩm. Thế nhưng ở cấp THCS, có thể vì bệnh thành tích hay vì nhiều lí do khác nhau, một số nhà trường lại yêu cầu giáo viên đi làm hộ học sinh".

Trong khi cũng theo thầy Hùng, có nhiều giáo viên rất yêu nghề, họ muốn được đọc sách, được trau dồi kiến thức, muốn nghiên cứu ra những phương pháp giảng dạy mới để truyền đạt kiến thức hấp dẫn đến học sinh.

"Bên cạnh đó, thầy cô giáo cũng muốn nghỉ ngơi để có một sức khoẻ, tinh thần tốt thì mới có cảm hứng dạy học, sáng tạo. Thế nhưng họ không có đủ thời gian để làm những việc đó, bởi họ phải làm những việc không đúng chuyên môn, không thiết thực như trên" - thầy Hùng nói thêm.

Đừng để bệnh thành tích trở thành tiền đề cho câu chuyện không trung thực

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Về bản chất, các hoạt động, hội thi, cuộc thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật để kích thích óc sáng tạo và là sân chơi bổ ích cho học sinh. Tuy nhiên, đừng vì lấy thành tích, ganh đua giữa các trường để coi đó là thành công của hội thi".

Ông Vinh cho rằng, điều quan trọng là các thầy cô dạy thế nào để những đứa trẻ ham học, ham đọc, tò mò tìm hiểu thế giới xung quanh, tự thảo luận với nhau để đi đến kết quả cuối cùng.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: NVCC

Còn thầy cô, ngoài việc dạy học thì cũng còn rất nhiều việc cần phải làm như sổ sách, gia đình. Chưa kể những thầy cô có khả năng nghiên cứu cũng cần thời gian để tập trung nghiên cứu, nâng cao chuyên môn sư phạm.

"Đáng nói, từ những câu chuyện bệnh thành tích, ganh đua giữa trường nọ với trường kia, ngành giáo dục của địa phương nọ với địa phương kia có thể sẽ là tiền đề cho những câu chuyện không trung thực, giả dối trong xã hội.

Các cuộc thi, các phong trào thi đua là tốt, nhưng cần nhẹ nhàng để trò tự giác, thích thú tham gia. Như vậy, bản chất những phong trào, hoạt động ngoài giờ mới trở về đúng ý nghĩa của nó" - ông Vinh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn