MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ không cho phép thí sinh thi quá 2 môn lựa chọn. Ảnh minh hoạ: Trang Hà

Không được thi quá 2 môn tự chọn, học sinh lo ngại giảm tổ hợp xét tuyển

TRÀ MY LDO | 16/12/2023 21:34

Từ năm 2025, kì thi tốt nghiệp THPT sẽ không cho phép thí sinh thi quá 2 môn lựa chọn. Điều này khiến các thí sinh băn khoăn về việc tổ hợp xét tuyển sẽ giảm.

Từ năm 2025, với 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn đã tạo ra 36 tổ hợp môn để học sinh lựa chọn thi tốt nghiệp THPT. Theo đại đa số các ý kiến, phương án thi tốt nghiệp này được đánh giá là gọn nhẹ, giảm áp lực cho học sinh và giảm tốn kém cho xã hội.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Báo Lao Động, một số ý kiến học sinh đề xuất có thêm môn lựa chọn để tăng cơ hội vào đại học.

Thời gian vừa qua, em Nguyễn Quang Huy - học sinh lớp 11, Trường THPT Phú Nhuận (TPHCM) - cảm thấy rất khó khăn trong việc lựa chọn và cân nhắc các môn thi cho kì thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025.

Theo Quang Huy, việc quy định học sinh không được thi quá hai môn lựa chọn cũng khiến em và các bạn băn khoăn khi không biết nên chọn môn thi nào để gia tăng cơ hội vào đại học. Đồng thời, việc chọn môn thi không hợp lí cũng ảnh hưởng rất lớn tới tương lai của học sinh.

"Giả sử, em chọn tiếng Anh và Lịch sử làm môn thi tự chọn thì đồng nghĩa với việc em sẽ có hai tổ hợp D01 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh) và khối C03 (Toán, Ngữ văn, Lịch sử). Nếu muốn thi thêm tổ hợp môn khác để tăng cơ hội vào các trường, khối ngành mình yêu thích, em nghĩ sẽ rất khó.

Theo em, với phương án thi này, học sinh bị hạn chế số lượng tổ hợp xét tuyển. Số tổ hợp để xét tuyển đại học của mỗi thí sinh sẽ giảm, chỉ có vỏn vẹn 1 đến 2 tổ hợp" - Quang Huy bày tỏ.

Cũng theo Quang Huy, nếu phải lựa chọn 2 môn thi tự chọn, khả năng cao nhiều thí sinh "đổ xô" vào tiếng Anh.

"Theo em quan sát, các bạn đang hướng tới quyết định chọn tiếng Anh làm môn thi tự chọn. Môn học này không chỉ là thế mạnh của các học sinh khu vực thành phố mà còn là điều kiện ưu tiên xét tuyển của các trường đại học hiện nay. Nếu tiếng Anh được nhiều thí sinh lựa chọn, khả năng cạnh tranh sẽ tăng cao đến bất ngờ" - nam sinh lo lắng.

Tương tự như Quang Huy, Đinh Trung Dũng - học sinh lớp 11 tại Hà Nội - trăn trở khi học sinh không được phép chọn quá 2 môn thi tự chọn.

"Trong số các môn thi tự chọn, xuất hiện thêm Tin học và Công nghệ. Rất hiếm các trường xét tuyển khối ngành có hai môn thi này. Không những thế, hiện các trường có xu hướng giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Bản thân em cũng đang xem xét tham gia kì thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội nhằm có thêm cơ hội vào các trường đại học" - Trung Dũng kể.

Về phía Bộ GDĐT, ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) - cho biết, nguyên tắc tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT hiện tại không cho phép thí sinh thi hơn 2 môn lựa chọn. Phương án thi từ năm 2025 với 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn đã tạo ra 36 tổ hợp môn.

"Với 36 tổ hợp môn, khả năng thời gian thi bị trùng rất cao. Chưa kể, số thí sinh muốn thi 3 - 4 môn tự chọn không nhiều và điều này nếu có cũng gây lãng phí. Về xét tuyển đại học, mỗi thí sinh cùng lúc sử dụng nhiều tổ hợp để xét tuyển vào cùng một ngành có thể sẽ gây mất công bằng. Vì vậy, phương án 2+2 sẽ có lợi cho số đông, tiết kiệm thời gian, công sức, giảm chi phí và áp lực"- ông Hà nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn