MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trường tổ chức học thêm, dạy thêm chưa đúng quy định, gây bức xúc cho phụ huynh. Ảnh minh hoạ: Vân Trang

Không được xếp tiết học thêm chèn vào giờ học chính, làm khó phụ huynh

Vân Trang LDO | 29/09/2023 06:25

Theo các chuyên gia giáo dục, các trường học không được xếp các tiết học thêm, liên kết xen kẽ vào giờ học chính khoá, dồn phụ huynh vào thế khó.

Sau loạt bài phản ánh tình trạng các trường học liên kết với trung tâm, đơn vị tư nhân bên ngoài để dạy thêm trong trường học do Báo Lao Động thực hiện, rất nhiều phụ huynh, bạn đọc trên cả nước đã gửi và cung cấp các thông tin về tình trạng dạy thêm tràn lan ở địa phương mình.

Việc chèn những tiết học thêm và học ngoài giờ vào thời khóa biểu chính khóa không chỉ là vấn đề tăng chi phí cho phụ huynh, mà còn khiến phụ huynh lo lắng vì khả năng tiếp nhận của con sẽ bị quá tải”. Thậm chí, không ít các học sinh cảm thấy chán nản vì bị bắt buộc học những môn tự nguyện.

Nhiều trường học liên kết vơi đơn vị bên ngoài, tổ chức dạy thêm, học thêm. Ảnh: Vân Trang

Trao đổi vấn đề này với Báo Lao Động, ông Hoàng Ngọc Vinh – Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết:

“Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có yêu cầu cụ thể về thời lượng đối với các khối lớp trong một tuần. Đối với khối tiểu học sẽ tổ chức dạy 2 buổi/ngày, mỗi ngày không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút. Việc giãn buổi học sẽ có tác dụng giúp học sinh giảm áp lực đồng thời bảo đảm cho các em được học đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc của chương trình”.

Theo ông Vinh, nếu xếp vào tiết chính khoá sẽ gây khó cho phụ huynh và học sinh khi không tham gia. Nhiều học sinh phải lủi thủi ra ngoài giờ học khi gia đình không có điều kiện để đăng kí học.

“Thời khoá biểu cần được sắp xếp khoa học, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng học sinh, hợp lí về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi học sinh tiểu học. Nhà trường hoàn toàn có thể thu gọn số học sinh đăng kí vào một số lớp theo chương trình liên kết để học vào cuối tuần” – ông Vinh đưa giải pháp.

Dưới góc nhìn của nhà giáo, thầy Nguyễn Văn Lực – Trường THCS Trịnh Phong (Khánh Hoà) cho rằng, mô hình nhà trường liên kết với trung tâm ngoài là một xu thế tất yếu trong bối cảnh giáo dục. Điều này nhằm nâng cao chất lượng dạy học, tận dụng nguồn lực để phát triển giáo dục.

Tuy nhiên, thầy Lực đánh giá, việc quản lý sự liên kết giữa nhà trường và các trung tâm cần được kiểm tra và giám sát, tránh việc lạm dụng sự liên kết để tạo thêm gánh nặng tài chính cho phụ huynh. Bên cạnh đó, phải có một khâu trung gian để kiểm định hiệu quả giảng dạy của các trung tâm và trách nhiệm của nhà trường trong việc đưa các trung tâm bên ngoài vào.

Cũng theo thầy Lực, Bộ GDĐT đã đưa ra rất nhiều văn bản hướng dẫn về việc liên kết giáo dục. Song, về phía các trường đã học không nghiêm túc, dẫn đến tình trạng nhiều phụ huynh bức xúc về việc tổ chức dạy thêm, học thêm như hiện nay.

“Các trường thực hiện xếp lịch học không theo đúng qui định mà Bộ GDĐT đưa ra. Nhiều học sinh không có nhu cầu học nhưng cũng phải chấp nhận vì các môn học này đều nằm trong thời khoá biểu chính khoá” – thầy Lực nói.

Để giải quyết tình trạng này, thầy Lực đưa ra đề xuất: “Phải có một chế tài đủ mạnh để chấm dứt nạn liên kết dạy thêm. Quan trọng nhất là việc sắp xếp thời khoá biểu học liên kết với trung tâm bên ngoài không được đưa vào trong những học chính khóa của chương trình giáo dục 2018. Đồng thời, xử lý thật mạnh những trường hợp cố tình dạy thêm dưới mọi hình thức nếu như học sinh không có nhu cầu”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn