MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác làm việc với Bộ GDĐT (Ảnh: moet)

Không nên nhầm lẫn toàn ngành giáo dục phải tự chủ tài chính

Huyên Nguyễn LDO | 22/05/2017 07:03
Đây là nhấn mạnh của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trong buổi làm việc với Bộ GDĐT để khảo sát, xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập.

Sau 2020, không cấp ngân sách cho đại học công lập

Báo cáo với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về giải pháp đổi mới, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết, với giáo dục mầm non, phổ thông, về cơ bản Nhà nước vẫn tiếp tục bảo đảm kinh phí, các điều kiện hoạt động để các cơ sở này thực hiện trách nhiệm về phổ cập giáo dục. Đồng thời, có chính sách thí điểm đổi mới theo lộ trình, từng bước trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ở các vùng có điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện xã hội hóa để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

Đối với giáo dục đại học công lập, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế theo lộ trình. Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ chi thường xuyên đến hết năm 2020 và các cơ sở giáo dục đại học công lập được tự chủ toàn diện.

Các cơ sở giáo dục đại học thành lập Hội đồng trường theo quy định để hoạch định chiến lược, quản lý, giám sát quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học, tiến tới xóa bỏ cơ quan chủ quản.

Về giải pháp đổi mới cơ chế tài chính, Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc ít người (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có nguồn thu thấp, không đảm bảo bù chi phí hoạt động).

Chuyển đổi cơ bản phương thức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, chuyển từ việc giao dự toán ngân sách cho các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập như hiện nay sang thực hiện phương thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công dựa trên chất lượng dịch vụ đơn vị cung cấp mà không phân biệt cơ sở công lập, ngoài công lập.

Đổi mới cơ chế tài chính đối với nhóm đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ sự nghiệp có khả năng xã hội hóa cao (các trường đại học) theo hướng: giao quyền tự chủ, tự chịu nhiệm trong cung cấp dịch vụ gắn với nhu cầu xã hội, được quyết định thu giá dịch vụ trên cơ sở tính đủ các chi phí cần thiết do cấp có thẩm quyền ban hành...

Không nên nhầm lẫn toàn ngành giáo dục phải tự chủ trong công tác tài chính

Trao đổi về vấn đề tự chủ ở các trường đại học, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, tự chủ ở đây trước hết là tự chủ về tài chính. Không tự chủ tài chính thì không thể tự chủ về bộ máy nhân sự, còn những quyền hạn khác như tuyển dụng, xây dựng chương trình thực chất chỉ là phân quyền, giao nhiệm vụ chứ không phải là tự chủ.

Trước việc Bộ GDĐT sẽ chỉ hỗ trợ chi thường xuyên cho giáo dục đại học công lập đến hết năm 2020, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: "Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đề nghị duy trì kinh phí cho các đơn vị ít nhất là 3 năm, đến 2020 nhưng liệu sau 2020 thì các đơn vị có tự chủ được không?"

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, trong các ngành thì y tế và giáo dục là 2 ngành không nên tham gia quá nhiều vào thị trường vì đây là những dịch vụ thiết yếu, Nhà nước phải đảm bảo. Một khi nhô quá cao so với thị trường thì trách nhiệm của nhà nước dễ bị coi nhẹ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh không nên nhầm lẫn toàn ngành giáo dục phải tự chủ trong công tác tài chính. “Cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa làm sao có thể tự chủ được, mà vai trò của Nhà nước vẫn phải rất lớn trong đầu tư, phát triển giáo dục ở những nơi này”, Phó Thủ tướng nói.

Riêng về giáo dục đại học, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Càng tự chủ mạnh mẽ càng tốt”. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ có các cơ chế đặt hàng dịch vụ công (đối với các trường đại học nghiên cứu khoa học cơ bản… khó có thể tự chủ tài chính) hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ công tới các cơ sở giáo dục đối với các dịch vụ giáo dục mang lại giá trị gia tăng.

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị Bộ GDĐT, các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mạnh mẽ như giao tài sản đất đai, cơ chế tín dụng phù hợp cho giáo dục đại học; chủ động sắp xếp lại lao động.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn