MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ GDĐT sẽ yêu cầu các sở giáo dục đào tạo phải có hướng dẫn, giúp trường xây dựng phương án tuyển sinh theo hình thức phù hợp với mục tiêu của nhà trường, mà không gây khó khăn cho học sinh. Ảnh minh họa: Dân Trí

Không phải tất cả học sinh sẽ thi tuyển vào lớp 6

Bích Hà LDO | 03/01/2018 21:12
Đây là khẳng định của PGS-TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT) tại chương trình “90 phút để hiểu” vừa phát sóng trên VTV.

Những ngày qua, thông tin Bộ GDĐT công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh Trung học cơ sở và tuyển sinh Trung học phổ thông, trong đó có quy định cho phép thi tuyển vào lớp 6 đã nhận được sự quan tâm của dư luận.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, cũng còn nhiều điều băn khoăn. Việc thi tuyển sẽ giảm áp lực về việc chạy thành tích, chạy điểm, các giải phụ để lấy điểm cộng khi xét tuyển. Tuy nhiên lại có thể khiến học sinh tăng áp lực thi cử, “vẽ đường” cho tình trạng dạy thêm, học thêm gia tăng.

 Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT. Ảnh: Moet

Mới đây, trong một chương trình phát sóng trên VTV, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT) đã có những chia sẻ về chủ trương cho phép thi tuyển vào lớp 6 của Bộ GDĐT, giải đáp những băn khoăn của phụ huynh học sinh.

Theo ông Thành, chỉ một số trường có số lượng học sinh đăng ký vào học nhiều hơn so với chỉ tiêu mới tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực học sinh kết hợp với xét tuyển.

“Có nghĩa là không phải tất cả học sinh phải thi tuyển vào THCS. Dù đánh giá năng lực theo hình thức nào thì đều đảm bảo nguyên tắc 100% học sinh được vào học lớp 6 theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục” - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học chia sẻ.

Nói về lý do Bộ GDĐT chuyển từ xét tuyển sang việc thi tuyển vào lớp 6, ông Thành cho biết: Từ năm 2015 xuất hiện những trường có chất lượng giáo dục tốt, số lượng học sinh đăng ký rất đông, nên gặp khó khăn nếu chỉ thực hiện việc xét tuyển.

Sau khi lắng nghe ý kiến từ thực tiễn, Bộ đã sửa đổi quy định, cho phép được kết hợp giữa xét tuyển với kiểm tra đánh giá năng lực. Các trường và học sinh sẽ có thêm một lựa chọn.

Ông Thành cũng cho biết, thay đổi theo hướng này không có nghĩa là Bộ ưu tiên cho các trường, đẩy khó khăn sang cho học sinh. Việc kiểm tra đánh giá năng lực không phải là thi kiến thức văn hóa như bình thường, mà tùy vào mục tiêu của từng trường sẽ có những phương án đánh giá năng lực phù hợp, có thể là vấn đáp hay bài kiểm tra tổng hợp kiến thức.

Bày tỏ quan điểm về việc Bộ GDĐT sửa đổi quy định cho phép các trường tổ chức kết hợp giữa kiểm tra đánh giá năng lực với xét tuyển vào lớp 6, TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, thay đổi này sẽ giúp học sinh, phụ huynh có nhiều lựa chọn để vào lớp 6.

“Giáo dục là phải nói đến thi, không thi làm sao đánh giá được chất lượng. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là các trường cần cố gắng tạo ra những cuộc kiểm tra không gây áp lực cho học sinh” - TS Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn