MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không phê bình học sinh trước lớp: Tìm cách răn đe hợp tình, hợp lý hơn. Ảnh minh hoạ: Trung tâm giáo dục phổ thông Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM.

Không phê bình học sinh trước lớp: Giáo viên nói gì?

Tâm An LDO | 02/10/2020 09:30

Bỏ quy định phê bình học sinh trước lớp được xem là tích cực, đề cao tính giáo dục.

Theo các thông tư của Bộ GDĐT ban hành về Điều lệ trường Tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học sắp có hiệu lực, sẽ có nhiều thay đổi trong quy định kỷ luật học sinh.

Theo đó, nếu như trước đây, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện, tùy theo mức độ vi phạm, giáo viên có thể nhắc nhở, phê bình hoặc thông báo với gia đình.

Thì nay, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỷ luật như nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn, hay thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Điểm mới được đưa ra là giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.

Nhiều giáo viên cho rằng, quy định này mang tính nhân văn và có thể giúp thay đổi hành vi của học sinh. Việc “nhắc nhở, giúp đỡ, động viên các em khắc phục khuyết điểm” thay vì phê bình trước cả lớp, trước toàn trường giúp học sinh cảm nhận được tình thương và sự quan tâm, tôn trọng các em của thầy cô.

Ông Thiều Quang Thịnh (giáo viên trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, TPHCM) nhìn nhận, giáo dục không chỉ dạy kiến thức mà còn góp phần hình thành đạo đức và nhân cách cho học sinh. Trong đó, việc tôn trọng nhân phẩm, danh dự các em là một điều cần phải lưu tâm. Vì vậy, việc học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập ở mức độ lần đầu, chưa phải nghiêm trọng không nên phê bình học sinh nơi công cộng.

"Bản thân các giáo viên đều mong muốn học sinh ngoan hiền, dễ dạy nhưng khi các em chưa ngoan thì chắc chắn các em đang có những vướng mắc hoặc trở ngại trong nhận thức và tâm lý. Nếu giáo viên cứ vạch lỗi để phê bình sẽ làm học sinh cảm nhận mình không tốt, không được tôn trọng. Như thế thì càng làm cho tâm lý các em dễ bị tổn thương hơn. Và chắc chắn việc giáo dục, uốn nắn đạo đức các em cũng cần thêm nhiều thời gian hơn" - ông Thịnh nói.

TS Nguyễn Văn Khả (Giám đốc Trung tâm giáo dục phổ thông Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM) cũng đồng tình với quy định mới mà Bộ GDĐT ban hành.

Ông Khả đánh giá, việc phê bình các em nơi đông người là cách làm phản giáo dục, khiến học sinh ngày càng tự ti hơn. Cần sự thấu hiểu, lắng nghe, chia sẻ để các em nhìn ra điểm sai và từ đó thay đổi.

Trước những học sinh có hành vi sai, ví dụ gây thương tích cho bạn học có tổ chức, ông Khải lựa chọn cách trao đổi trực tiếp với phụ huynh. "Giáo dục còn bao gồm cả sự dạy bảo từ gia đình. Tôi luôn lắng nghe phụ huynh để hiểu thêm tâm lý của học sinh rồi nhà trường và gia đình cùng lựa chọn hướng giáo dục tốt nhất cho các em" - ông Khả cho biết.

Những lần giáo viên nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp học sinh gặp khó sẽ là cầu nối giúp tình cảm thầy trò ngày càng khắng khít, giúp học sinh mắc lỗi đỡ cảm thấy tự ti và dễ bộc lộ những điều chưa dám nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn