MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một phụ huynh ở Quảng Ngãi đánh học sinh 14 tuổi nhập viện cấp cứu. Ảnh: Cắt từ clip

Không thể chấp nhận hành vi phụ huynh đánh học sinh 14 tuổi đến nhập viện

TRÀ MY LDO | 17/12/2023 20:14

Sau vụ học sinh ở Quảng Ngãi bị phụ huynh của bạn học cùng lớp đánh đến nỗi phải nhập viện cấp cứu, chuyên gia cho rằng đây là hành vi không thể chấp nhận được.

Theo ghi nhận của Báo Lao Động, vụ việc một học sinh bị phụ huynh của một học sinh cùng lớp khác dùng nắm đấm, cùi chỏ, đầu gối đánh vào những vị trí hiểm yếu khiến em này phải nhập viện cấp cứu xảy ra tại Quảng Ngãi.

Nạn nhân trong vụ việc trên là em L.G.K, học sinh Trường THCS Thị trấn La Hà (Quảng Ngãi). Trước đó, K đã có mâu thuẫn với bạn học, nhưng không có xô xát. Tuy nhiên, bạn học của K về báo với bố mình và ngay sau đó, phụ huynh này đã bám sát, tác động tay chân với K.

Người nhà của K cho biết, theo hồ sơ bệnh án tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, K bị sưng đau nhiều vùng đầu, mặt, xây xát ở hai vai do bị đánh, nôn ói. Sau khi chụp X quang, bác sĩ chẩn đoán cháu K bị tổn thương nội sọ và chuyển vào điều trị tại Khoa ngoại thần kinh.

Trước sự việc trên, trao đổi với Báo Lao Động, TS Vũ Việt Anh - chuyên gia tâm lý giáo dục, Giám đốc Học viện Thành Công - cho rằng, hành vi hành hung trẻ em vị thành niên của phụ huynh cần phải lên án mạnh mẽ.

"Hành vi hành hung trẻ em vị thành niên không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là vi phạm đạo đức, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục và gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe của học sinh. Đây là một hành động cần được lên án mạnh mẽ từ cộng đồng và xã hội" - TS Vũ Việt Anh thẳng thắn nói.

Theo TS Việt Anh, để đảm bảo an toàn cho học sinh, trước tiên cần tạo ra một môi trường giáo dục an toàn và tôn trọng. Việc này bao gồm việc nâng cao nhận thức của cả học sinh, giáo viên và phụ huynh về quyền của trẻ em, đồng thời hướng dẫn họ biết cách phản ứng và báo cáo khi gặp phải tình huống bạo lực.

"Có thể thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về quyền trẻ em thông qua các buổi ngoại khóa, hội thảo, câu lạc bộ kỹ năng,... Nội dung tuyên truyền hấp dẫn, cần nêu được quyền được bảo vệ khỏi bạo lực, xâm hại của trẻ em.

Ngoài ra, cần có các chương trình tập huấn cho giáo viên về các tình huống học đường, tư vấn cách giải quyết xung đột và xử lý tình huống bạo lực. Giáo viên cần được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống bạo lực trong nhà trường" - TS Vũ Việt Anh nêu giải pháp.

Ngoài các giải pháp nêu trên, TS Vũ Việt Anh còn nhấn mạnh tới vai trò của cơ chế giám sát nghiêm ngặt và hệ thống báo cáo kịp thời trong việc hạn chế các vụ việc bạo lực học đường.

"Cơ chế giám sát nghiêm ngặt và hệ thống báo cáo kịp thời sẽ giúp nhà trường phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp bạo lực. Cụ thể, nhà trường cần thành lập tổ giám sát về an toàn trường học, có trách nhiệm nắm bắt tình hình và xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, cần có hệ thống báo cáo kịp thời để các cơ quan chức năng có thể nắm bắt thông tin và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Với học sinh, các em cần trang bị cho mình kiến thức về giải quyết xung đột, kiểm soát cảm xúc và cách phòng tránh bạo lực. Nếu gặp phải tình huống bạo lực, các em cần bình tĩnh và tìm cách thoát khỏi tình huống đó, tìm kiếm sự trợ giúp, đồng thời báo cáo cho người lớn tin cậy" - TS Việt Anh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn