MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Không thể quay lại "độc quyền" sách giáo khoa như trước kia

Bích Hà - Tường Vân LDO | 05/08/2023 18:00

Theo ý kiến của các giáo viên, sau 3 năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội, thực tiễn cho thấy việc xã hội hóa trong khâu biên soạn sách giáo khoa là chủ trương đúng đắn. Nếu quay trở lại “độc quyền” sách giáo khoa (SGK) như trước kia sẽ gây nhiều xáo trộn cho cả nhà trường, giáo viên và học sinh.

Kiên trì xã hội hóa việc biên soạn SGK

Những ngày qua, Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông (GDPT) đã có các buổi làm việc với Chính phủ, báo cáo về kết quả công tác giám sát. Trong đó đã xuất hiện những ý kiến trái chiều về việc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức biên soạn một bộ SGK của Bộ sau khi công tác xã hội hóa hóa biên soạn SGK đã thực hiện được 3 năm nay. Những ý kiến này nhận được sự quan tâm đặc biệt của đội ngũ giáo viên.

Chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa", xóa bỏ độc quyền xuất bản là chủ trương, đổi mới quan trọng tại Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội. Việc này nhằm huy động nguồn lực xã hội, góp phần nâng cao chất lượng SGK, chống độc quyền trong lĩnh vực này và phù hợp với xu hướng quốc tế. Điều này cũng phù hợp với định hướng xây dựng nền giáo dục mở, “đa dạng hoá tài liệu học tập” của Nghị quyết 29 về chính sách đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thực hiện các chủ trương quan trọng này, những năm qua đều có 3 bộ SGK được phê duyệt, lựa chọn sử dụng trong các nhà trường. Chủ trương xã hội hóa khâu biên soạn, phát hành SGK đã góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước. Vì vậy, theo các giáo viên, không cần tiêu tốn ngân sách làm bộ thứ 4 để dự phòng.

Gắn bó với nghề giáo trong vòng 37 năm, thầy Nguyễn Văn Lực, giáo viên Trường THCS Trịnh Phong (Khánh Hoà) đánh giá, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đi vào thực tiễn bước đầu đem lại nhiều tín hiệu tích cực.

“Học sinh rất thích học SGK mới vì sách đẹp, hình ảnh trực quan sinh động hấp dẫn, kênh hình phong phú, giấy in chất lượng tốt, hình ảnh rõ nét gần gũi với học sinh, kênh chữ rõ ràng sắc nét. Đây là kết quả của việc xã hội hóa SGK đem lại, sự cạnh tranh giữa các nhà xuất bản sách để học sinh có thuận lợi khi chọn sách.

Giáo viên ủng hộ chủ trương “một chương trình, nhiều bộ SGK“. Ảnh: Bích Hà

Giáo viên cũng rất thuận lợi trong việc có nhiều bộ sách để tham khảo để soạn giảng, vì SGK là tư liệu để giảng dạy và mỗi bộ sách, cuốn sách có những điểm mạnh cái hay riêng để giáo viên chọn lọc kiến thức vào giảng dạy có chất lượng hơn” – thầy Lực chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, cô Lê Dinh – giáo viên Ngữ văn tại Hà Nội nói rằng, việc một chương trình, nhiều bộ SGK như hiện nay là chủ trương đúng đắn, có lợi cho giáo viên và cả người học.

“Trên thế giới, các nước phát triển cũng đều áp dụng chủ trương nêu trên. Lợi ích của việc có nhiều bộ SGK là chấm dứt tình trạng học tủ, học vẹt, học thuộc lòng như trước kia. SGK hiện nay chỉ là tài liệu tham khảo, không còn là pháp lệnh. Nhờ đó, giáo viên được quyền chủ động tìm tòi, nghiên cứu phương pháp dạy phù hợp nhất với học trò” – cô Dinh phân tích.

Không nên quay lại "độc quyền"

Việc xuất hiện các ý kiến đề xuất nên có thêm một bộ SGK của Bộ GDĐT ngoài các bộ sách của các đơn vị xã hội hóa là vì lo ngại việc sử dụng nhiều bộ sách dẫn đến sự thiếu thống nhất trong dạy và học trên phạm vi cả nước. Hay cũng có ý kiến nói rằng, việc thực hiện nhiều bộ sách dẫn đến lãng phí, SGK không sử dụng lại được.

Năm học 2023 - 2024, sách giáo khoa mới sẽ được đưa vào sử dụng với lớp 4,8,11. Ảnh: Vân Trang

Dưới góc nhìn của nhà giáo – người trực tiếp tiếp cận, giảng dạy theo chương trình mới, thầy Nguyễn Văn Lực khẳng định: “SGK hiện nay không còn là pháp lệnh, giáo viên và nhà trường có thể tự chủ điều chỉnh bài giảng dựa vào chương trình thực tế. Do đó, điều đáng quan tâm ở giai đoạn này là đánh giá lại khung Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, hiệu quả sau 3 năm triển khai, chú trọng đầu tư hơn đến năng lực giáo viên, đặc biệt là với giáo viên dạy môn tích hợp thay vì đề xuất có thêm một bộ SGK sử dụng ngân sách. Vì nếu thực hiện như đề xuất này có thể gia tăng nguy cơ quay lại độc quyền SGK như trước kia”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn