MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khuyến khích trường ĐH tổ chức tuyển sinh riêng: Thí sinh vừa mừng vừa lo

Thiều Trang LDO | 06/10/2021 16:34

Thông tin về phương án tổ chức tuyển sinh đại học năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) khuyến khích các trường đại học tổ chức tuyển sinh riêng để phân loại đối tượng tuyển chọn tốt hơn. Bên cạnh niềm vui về sự công bằng trong tuyển sinh, nhiều học sinh và phụ huynh cũng bày tỏ nỗi lo về áp lực thi cử.

Tạo môi trường cạnh tranh công bằng

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa thông báo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2022. Theo đó, điểm mới nhận được nhiều sự quan tâm từ phía phụ huynh và học sinh là Bộ GDĐT khuyến khích các trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển. Sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn.

Bày tỏ quan điểm về nội dung trên, em Nguyễn Việt Hoàng - thí sinh vừa tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 tại Vĩnh Phúc - cho rằng, đây là một điểm mới tiến bộ, giúp đánh giá thực chất năng lực của học sinh và tránh được "bi kịch điểm cao".

"Nhìn nhận khách quan, việc các trường đại học tổ chức tuyển sinh riêng sẽ rất hữu ích trong việc đánh giá chất lượng đầu vào và tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho thí sinh, tránh tình trạng bỏ sót những học sinh có thực lực, điểm cao nhưng không đỗ như năm nay" - Hoàng nêu ý kiến.

Bộ GDĐT khuyến cáo các trường đại học tuyển sinh riêng. Ảnh: Hải Nguyễn

Đồng quan điểm, em Nguyễn Khánh Linh - học sinh lớp 12 tại Hà Nội cho rằng, với những trường top đầu và ngành có mức độ cạnh tranh cao thì phương án tổ chức thêm kỳ thi riêng là hoàn toàn hợp lý. Điều này tạo ra sân chơi công bằng cho tất cả học sinh, giúp các em có động lực phấn đấu.

"Chắc chắn chúng em sẽ có thêm áp lực, nhưng em nghĩ, việc có được môi trường cạnh tranh công bằng sẽ tạo động lực cho chúng em học tập, nỗ lực nuôi ý chí vào ngôi trường, ngành học mình mong ước.

Tuy nhiên, các trường nên tổ chức tuyển sinh gọn nhẹ, đúng mục tiêu, tránh rườm rà, gây áp lực cho thí sinh" - Khánh Linh nêu quan điểm.

Lo lắng về gánh nặng thi cử

Thừa nhận việc có thêm các hình thức chọn lọc đầu vào đại học là điểm mới tiến bộ, song nhiều phụ huynh và học sinh tỏ ra lo lắng về áp lực thi cử.

Bày tỏ sự lo lắng về "các kỳ thi tương lai" , em Trịnh Lê Hồng Ngọc - học sinh lớp 12 tại Nam Định cho biết, việc chuẩn bị cho nhiều kỳ thi cùng một lúc là điều không dễ dàng. Điều này sẽ vô tình tạo nên áp lực học tập và thi cử cho học sinh.

"Nhìn vào quá trình từ lúc ôn thi đến lúc thi xong của các anh chị khóa trên, em đã cảm thấy mệt mỏi. Nếu phải chuẩn bị cho nhiều kỳ thi cùng một lúc em không biết mình phải đối mặt như thế nào. Hơn nữa, học tập và thi cử trong điều kiện dịch bệnh rất thiệt thòi, khó khăn" - Hồng Ngọc thở dài.

Nhiều thí sinh bày tỏ lo lắng vì áp lực học tập, thi cử. Ảnh: Thiều Trang

Chị Lê Thị Bắc - phụ huynh học sinh tại Thanh Hóa cũng cho rằng, nhiều trường đại học tổ chức tuyển sinh riêng, các con sẽ phải thi tại nhiều trường, nhiều lần rất tốn kém. Nhưng việc này lại giúp các trường đại học, đặc biệt những trường, những ngành có sự cạnh tranh cao phân loại và chọn được thí sinh giỏi. 

Nhiều thí sinh và phụ huynh hy vọng, các trường đại học sẽ liên kết  để tổ chức tuyển sinh chung. Trên cơ sở đó các trường nhỏ hơn có thể sử dụng kết quả bài kiểm tra năng lực chung đó để xét tuyển, nhằm giảm gánh nặng, áp lực phải tham gia quá nhiều kỳ thi cho thí sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn