MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NGƯT.TS Nguyễn Thanh Sơn - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Khoa giáo Trung ương kì vọng giáo viên sống được bằng lương. Ảnh: Minh Hà

Kì vọng giáo viên "sống được bằng lương"

Vân Trang LDO | 30/10/2023 06:40

Theo ý kiến chuyên gia, nếu lương tăng, giáo viên sẽ sống được bằng lương, không phải tìm việc làm thêm, toàn tâm cống hiến cho ngành.

Lương thấp là nguyên nhân chính khiến giáo viên nghỉ việc

Giáo viên là đội ngũ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng thực tế, lương của nhà giáo hiện nay rất thấp khiến họ phải làm thêm nghề tay trái.

Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng có thể cố bám trụ với nghề bằng cách tìm kiếm các công việc làm thêm. Rất nhiều giáo viên đã phải ngậm ngùi viết đơn xin nghỉ việc để tìm công việc, hướng đi khác để đủ thu nhập trang trải cuộc sống.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, tính đến hết năm học 2022 - 2023, cả nước có 1.234.124 giáo viên mầm non và phổ thông (tăng 71.927 người so với năm học 2021 - 2022).

Tuy nhiên, theo chỉ tiêu đặt ra thì cả nước còn thiếu 118.253 thầy cô đứng lớp, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 - 2022. Trong đó, cấp mầm non tăng 7.887 giáo viên, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207, cấp THPT tăng 2.045 người.

Theo NGƯT.TS Nguyễn Thanh Sơn - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Khoa giáo Trung ương, lương thấp là 1 nguyên nhân cơ bản dẫn đến làn sóng giáo viên nghỉ việc trong năm qua.

Ông Sơn cho rằng, các thầy cô giáo cũng như những người lao động khác, đều phải sống bằng lương, sống bằng thu nhập. Một khi đồng lương không đủ đảm bảo cuộc sống, là tác động không nhỏ tác động đến quyết định ở lại hay chọn ngành khác.

Bên cạnh đó, do đặc thù công việc, người thầy đứng trên bục giảng, đứng trước xã hội hiện nay chịu rất nhiều áp lực.

"Áp lực từ học sinh, áp lực đến từ phụ huynh, áp lực đến từ trong ngành giáo dục bởi chương trình mới đòi hỏi yêu cầu cao, đồng lương lại thấp..." - ông Sơn nói và cho rằng, xã hội cần quan tâm hơn, giảm bớt những áp lực đang đặt lên vai đội ngũ nhà giáo.

Nỗi lo giảm lương khi bị cắt phụ cấp thâm niên

Theo các nội dung Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2018, cải cách tiền lương sẽ tác động, đem đến một số thay đổi đáng chú ý đến tiền lương giáo viên. Dự kiến từ ngày 1.7.2024, lương giáo viên sẽ có nhiều thay đổi.

Nghị quyết 27 sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức). Việc bỏ phụ cấp thâm niên nhà giáo là thực hiện theo đúng luật. Song, điều này trở thành nỗi trăn trở với nhiều thầy cô, đặc biệt là những người công tác lâu năm trong ngành.

Về vấn đề này, NGƯT.TS Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, lo lắng này là hoàn toàn có căn cứ, nó ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, nguyện vọng của các thầy cô giáo, đặc biệt là những thầy cô công tác lâu năm trong ngành

"Rõ ràng, cải cách tiền lương là chủ trương rất lớn của Nhà nước. Với tư cách cá nhân, tôi mong muốn các nhà hoạch định chính sách, tính toán làm sao để người lao động nói chung, nhà giáo nói riêng được sống bằng lương.

Một khi đời sống đang khó khăn, đồng tiền trở thành gánh nặng, bức xúc" - ông Sơn nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn