MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thời điểm cận Tết, nhiều sinh viên lên kế hoạch tìm việc làm thêm, việc làm thời vụ để kiếm thêm thu nhập. Ảnh minh họa: Chu Trang

Kiếm tiền tiêu Tết, sinh viên sập bẫy việc nhẹ, lương cao

Vân Trang LDO | 27/12/2022 08:47

Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2023. Thời điểm này, nhiều sinh viên lên kế hoạch tìm việc làm thêm, việc làm thời vụ để kiếm thêm thu nhập. Nắm bắt tâm  này, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều lời quảng cáo hấp dẫn "việc nhẹ, lương cao", nhưng thực chất đây chỉ là những bẫy lừa đảo dịp cuối năm.

Cạm bẫy "việc nhẹ, lương cao"

Ngọc Mai, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền, không lấy làm lạ khi đọc được những thông tin về cạm bẫy "việc nhẹ, lương cao". Điều này là do, Ngọc Mai cũng từng là nạn nhân của những bẫy lừa đảo dịp cuối năm ngay khi còn là sinh viên năm nhất. 

Thời điểm đó, nữ sinh nhận viết bài tại nhà với mức tiền công khá hời 50.000 đồng cho 1 bài viết khoảng 400 từ. 

“Mọi trao đổi đều thực hiện thông qua nhóm Zalo. Họ hứa hẹn, khi nào viết xong bài, bài đạt yêu cầu, được đăng tải sẽ chuyển khoản cho em. Trong 1 tháng, em đã viết 20 bài với hy vọng có tiền tiêu Tết nhưng lúc viết xong thì họ cũng mất hút. Em cũng chẳng có bất kỳ thông tin nào về công ty để có thể đến đòi tiền” – Ngọc Mai kể lại. 

Nữ sinh cho rằng, việc làm thêm online thường không có hợp đồng lao động hay bất kỳ văn bản ràng buộc nào. Điều này khiến sinh viên trở thành những người lao động yếu thế, bị bóc lột. 

“Mặc dù chưa được trả tiền, nhưng em phát hiện, bài viết của mình được đăng tải trên một website. Dù rất bức xúc nhưng em cũng chẳng thể làm gì” – Ngọc Mai chia sẻ.

Tranh thủ thời gian vừa thi kết thúc học phần, Nguyễn Nhật Minh (Thanh Hoá) cũng tìm thêm 1 công việc để có thu nhập chi tiêu dịp Tết.

Tham gia các hội nhóm tìm việc làm thêm, nam sinh bị thu hút bởi tin tuyển dụng sinh viên nhập liệu theo ca, thời gian linh hoạt và mức lương hấp dẫn.

"Em được một chị tư vấn, công việc có thể làm theo ca, một ca chỉ từ 15-20 phút và thu nhập có thể từ 50-70.000 đồng/ca và em đã bị thu hút bởi mức thu nhập này" - Nhật Minh nói.

Điểm cuối của những lời quảng cáo việc nhẹ, lương cao là sinh viên sẽ mất tiền. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau một hồi trao đổi với nhân viên tuyển dụng, nam sinh nhận ra, điểm mấu chốt của vấn đề là em sẽ phải truy cập vào 1 đường link, đăng nhập thông tin cá nhân và chuyển khoản 100.000 đồng để được cấp tài khoản.

Nhận ra những dấu hiệu bất thường, Nhật Minh ngay lập tức tìm hiểu thông tin về đơn vị tuyển dụng và phát hiện đây chỉ là chiêu trò lừa đảo.

“Đã có rất nhiều bạn sinh viên như em nhẹ dạ, cả tin, làm theo hướng dẫn và nạp tiền. Chỉ cần mình nạp tiền là xác định mất luôn, mình làm việc cũng không được trả tiền. Lời quảng cáo trên quá hấp dẫn, bất kỳ sinh viên nào cũng bị thu hút và rất dễ sập bẫy” - Nhật Minh nhận định.

Cẩn trọng với những lời quảng cáo hấp dẫn

Theo nhiều chuyên gia, quyền lợi của các sinh viên khó được đảm bảo bởi những công việc làm thêm này thường không có giao kết hợp đồng và các ràng buộc về mặt pháp lý.

Từ những kinh nghiệm mà mình đã trải qua, Ngọc Mai, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khuyên các bạn sinh viên cần cẩn trọng trong quá trình tìm kiếm việc làm thêm.

Các bạn trẻ cần cẩn trọng với các bài đăng tin tuyển dụng người làm thêm không với mức lương hấp dẫn nhưng không yêu cầu kinh nghiệm, mô tả công việc sơ sài, không có địa chỉ rõ ràng, yêu cầu người làm phải đóng tiền trước để bắt đầu công việc... Đây có thể là những chiếc bẫy dành cho những sinh viên đang có nhu cầu tìm kiếm công việc thời vụ vào dịp sát Tết Nguyên đán.

“Khi đã tìm được cho mình một công việc phù hợp, để đảm bảo quyền lợi, bạn nên trao đổi cụ thể và yêu cầu giao kết hợp đồng, có thể bằng văn bản, thư điện tử hoặc hình thức khác để đảm bảo quyền lợi cho mình nếu chẳng may xảy ra tranh chấp” – Ngọc Mai nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn